Bảo tồn giống gà Bang Trới

(Người Chăn Nuôi) – Giống gà Bang Trới dễ nuôi, thích nghi cao với điều kiện thời tiết tại một số địa phương của tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Bình Định, ít dịch bệnh và cho thịt, trứng thơm ngon được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, giống gà này đang bị thoái hóa dẫn đến năng suất thấp, rất cần các giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn giống.

Đặc điểm

Gà Bang Trới lúc 1 ngày tuổi chủ yếu có 2 màu lông, 71% có lông màu vàng nhạt, 29% có màu vàng nâu đậm. Ở 20 tuần tuổi, gà trống màu vàng cánh gián chiếm 65%; Có màu vàng pha đen 20% và hoa mơ 10%; 25% gà có lông đầu và lông cằm. Gà trống có bộ lông sặc sỡ, nhiều màu nhất là vùng lông cổ, lông đuôi. Gà mái có lông xám 60%, màu vàng 15% và hoa mơ 20%. Gà mái thường có các đốm đen ở đầu, cánh, cổ. Gà có mào đơn là chính, da vàng, chân thấp và nhỏ.

Gà Bang Trới nuôi theo phương thức bán chăn thả bằng thức ăn công nghiệp, gả đẻ lần đầu ở tuần tuổi 22, đẻ đạt 5% ở tuần tuổi 22 – 23 và tỷ lệ đẻ đạt đỉnh cao ở tuần tuổi 32 – 33. Khối lượng cơ thể gà khi tỷ lệ đẻ 5% là 1,69 kg; Đẻ đỉnh cao là 2,25 kg. Năng suất trứng đến 74 tuần tuổi của gà Bang Trới là 97,87 quả; Tỷ lệ đẻ trung bình là 26,38%, tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 4,56 kg. Trứng gà Bang Trới có khối lượng trung bình 48,43 g, trứng có chất lượng tốt. Tỷ lệ trứng có phôi là 94,83%, tỷ lệ nở/trứng có phôi 82,82%; Tỷ lệ nở/tổng số trứng vào ấp 76,43%. Tỷ lệ gà loại I/tổng gà nở là 95,45%.

nuôi gà bang trới

Giống gà Bang Trới rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, cho thịt và trứng thơm ngon.

Giống gà Bang Trới dễ nuôi, thích nghi cao với điều kiện thời tiết của địa phương, ít dịch bệnh, cho thịt, trứng thơm ngon, được nhiều người yêu thích. Gà Bang Trới không to, tối đa 2 – 2,5 kg với gà mái và trên 3 kg với gà trống thiến. Giống gà này đặc trưng bởi chân rất nhỏ và ngắn, da chân màu vàng ươm. Khi mới nở, gà con thường có một vệt lông màu đen kéo dài từ đầu cho tới đuôi, xung quanh lông màu vàng. Gà trưởng thành có thân hình săn chắc, ngực nở, mình dài, có chỏm lông đầu, chỏm lông râu dưới cằm. Một số con không có lông đầu, râu cằm nhưng vẫn thể hiện thân hình săn chắc, mình dài đặc trưng của giống.

 

Bảo tồn, phát triển nguồn giống quý

Do phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự nhiên vùng vườn đồi, đồng thời không chú ý chọn lọc giữ gìn nguồn gen gốc, cho nên giống gà Bang Trới đang bị thoái hóa dẫn đến năng suất thấp. Th.S Nguyễn Xuân Quỳnh, giảng viên Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc, Quảng Ninh cho biết, gà Bang Trới đang có thị trường tiêu thụ khá rộng. Bảo tồn và phát triển gà Bang Trới là góp phần bảo vệ nguồn gen bản địa, phù hợp với duy trì đa dạng sinh học đang là xu hướng ưu tiên của Nhà nước. Do bị pha tạp, thoái hóa giống nên việc nhân thuần cũng gặp nhiều khó khăn.

gà bang trới

Có thể thấy, gà Bang Trới là giống gà quý cần có những nghiên cứu sâu để phổ biến vào sản xuất, do vậy việc triển khai nuôi bảo tồn và tiến hành đánh giá chi tiết đặc điểm sinh học, cũng như khả năng sinh sản của chúng là điều cần làm ngay để bảo tồn và lưu giữ nguồn gen gà Bang Trới. Ngày 23/5/2022, Bộ NN&PTNT đã ra Quyết định số 1839/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đặc sản địa phương bắt đầu thực hiện từ năm 2023, trong đó có nhiệm vụ phục tráng và bảo tồn được nguồn gen gà Bang Trới tránh nguy cơ tuyệt chủng và đảm bảo sự đa dạng sinh học.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là: Có báo cáo đánh giá hiện trạng gà Bang Trới; Báo cáo giải trình tự gen gà Bang Trới với một số giống gà khác; Tiêu chuẩn cơ sở gà Bang Trới; Thu thập nguồn gen gà Bang Trới, xây dựng đàn giống gà Bang Trới: 200 con mái sinh sản: Năng suất trứng > 100 quả/mái/năm, tỷ lệ trứng giống > 90%, tỷ lệ trứng có phôi > 90%; Quy trình chăn nuôi gà Bang Trới sinh sản và thương phẩm; Mô hình nuôi gà Bang Trới thương phẩm liên kết tiêu thụ sản phẩm: 500 con, kết thúc 16 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống > 90%, khối lượng đạt > 1,6 kg, tiêu tốn thức ăn < 3,5 kg/kg tăng khối lượng.        

>> Bang Trới là giống gà gắn liền với 2 địa danh làng Bang và làng Trới xa xưa của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Hiện, giống gà này được nuôi nhiều ở hầu hết các xã của huyện Hoành Bồ, nhiều nhất là ở các xã Thống Nhất, Lê Lợi, Sơn Dương, Đồng Lâm, Vũ Oai.

Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *