Bệnh cầu trùng ở chim trĩ

(Người Chăn Nuôi) – Do ký sinh trùng hình cầu Coccidie gây ra. Chim trĩ mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nặng nhất là giai đoạn 2 – 8 tuần tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, phổ biến nhất vào vụ xuân hè khi thời tiết nóng ẩm.

Nguyên nhân

Bệnh cầu trùng là do ký sinh trùng đơn bào Eimeria gây ra. Một số loài chính gây thiệt hại đáng kể như: E. tenella, E. acervulina, E. necatrix, E. axima, E. brunetti… Noãn nang cầu trùng có sức đề kháng cao, ở điều kiện nhiệt độ bình thường noãn nang cầu trùng có thể tồn tại hàng tháng. Noãn nang cầu trùng rất mãn cảm với nhiệt độ, tuy ánh sáng mặt trời có thể tiêu diệt được chúng nhưng rất chậm. Noãn nang bị tiêu diệt trong vài phút ở nhiệt độ 600C. Nhiệt độ bên trong máy ấp trứng cũng tiêu diệt được noãn nang cầu trùng.

Cầu trùng vào cơ thể gây thiệt hại bằng 4 tác động: Chiếm đoạt chất dinh dưỡng của chim; tiết độc tố làm cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng; gây tổn thương niêm mạc ruột gây xuất huyết, viêm ruột, từ đó mở đường cho vi khuẩn xâm nhập và gây hại; tiết độc tố làm sức đề kháng của chim giảm, chim mệt mỏi, làm niêm mạc ruột bị tổn thương dẫn đến xuất huyết viêm ruột.

Bệnh này lây lan nhanh từ chim trĩ bị bệnh sang các chim trĩ mạnh khỏe sống chung chuồng trại với nhau. Nguyên nhân là ký sinh trùng Coccidie sống và đẻ trứng trong ruột của trĩ bệnh. Các trứng này theo phân ra ngoài. Chim trĩ mạnh nào có sức đề kháng yếu ăn phải thức ăn, nước uống có trứng ký sinh trùng này dính vào sẽ bị mắc bệnh cầu trùng. Như vậy, bệnh này lây lan qua đường tiêu hóa.

bệnh cầu trùng ở chim trĩ

Chim trĩ có sức đề kháng cao nhưng dễ mẫn cảm với những bệnh ở gà. Ảnh: Shutterstock   

 

Triệu chứng

Trĩ bệnh yếu sức, dáng ủ rũ, lông xù, bỏ ăn nhưng uống nhiều nước, bị tiêu chảy, trong phân có lẫn máu và chất nhờn. Trĩ bị bệnh này sẽ kiệt sức dần và chết vài ngày sau đó.

Bệnh cầu trùng có 3 thể:

Cầu trùng manh tràng: Thường xuất hiện ở chim non nhỏ hơn 2 tháng tuổi. Triệu chứng nhẹ hay nặng tùy thuộc vào lượng noãn nang mà chim ăn phải. Nếu nhiễm bệnh sẽ phát ra nhanh và tỷ lệ chết cao. Khi chim bị bệnh sẽ có các triệu chứng: Chim ủ rũ, đi đứng chậm chạp, lông xù, ăn kém hoặc bỏ ăn, uống nước nhiều, đi ngoài phân lẫn máu có màu đỏ tươi hoặc màu chocolate, mào nhợt nhạt. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời chim có thể chết hàng loạt.

Cầu trùng ruột non: Chim có các biểu hiện như buồn bã, ủ rũ, đi lại chậm chạp, lông xù, cánh xã, đi ngoài phân nhầy đôi khi lẫn máu. Chim bị ở thể này tỷ lệ ốm và chết thấp. Bệnh có thể ở dạng mạn tính như chim chậm lớn, gầy, chết rải rác kéo dài.

Cầu trùng ruột già: Ở thể này bệnh thường nhẹ, chim ủ rũ, ăn kém, đi ngoài phân nhầy đôi khi có lẫn máu, ở chim mái năng suất trứng giảm.

 

Bệnh tích

Cầu trùng manh tràng: Manh tràng sưng phồng, bên trong manh tràng có nhiều máu.

Cầu trùng ruột non: Ruột non sưng to, bên trong ruột non có dịch nhày lẫn máu và fibrin. Bên ngoài niêm mạc ruột non có các điểm trắng xám.

Cầu trùng ruột già: Bề mặt niêm mạc ruột già có các điểm trắng, niêm mạc ruột có thể bị hoại tử.

 

Phòng và điều trị

Cần đảm bảo các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Chuồng trại cần quét dọn vệ sinh định kỳ để đảm bảo chuồng nuôi luôn được sạch. Nền chuồng không để ẩm ướt phải luôn khô ráo. Đặc biệt chú ý giữ cho lớp độn lót chuồng, sân chơi luôn khô ráo. Không nên nuôi chung chim các lứa tuổi, quét vôi để sát trùng nền chuồng trước khi đưa chim vào nuôi.

 Rắc vôi bột trước cửa chuồng, định kỳ dùng thuốc ức chế cầu trùng để phòng bệnh cho chim có thể sử dụng một số các loại thuốc sau: Octamit, Rigecoxcin, ESB3… Sát trùng định kỳ 1 lần/tuần. Khi thời tiết ẩm ướt hoặc vào thời điểm có dịch bệnh gia cầm thì tăng cường 2 lần/tuần.

Điều trị: Sử dụng một trong các loại thuốc chống cầu trùng: MARZURILCOC, MARCOCE.COLI… pha nước hoặc trộn vào thức ăn cho cả đàn với liều lượng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Để tránh cầu trùng thích ứng với thuốc thì thuốc phòng và thuốc chữa cầu trùng cần thay đổi theo từng thời kỳ. Sử dụng kết hợp Vitamin C, K và chất điện giải. Nhốt riêng những con bị bệnh nặng cho uống thuốc trực tiếp vào miệng sẽ nhanh khỏi. Thay độn chuồng mới, rắc vôi vào chỗ ẩm ướt.

Khi chim bị bệnh cầu trùng cần sử dụng một trong các loại thuốc sau để điều trị: MARZURILCOC + LACTOVET theo liệu trình dùng 3 ngày, nghỉ 3 ngày, dùng lại 2 ngày (thuốc này không ảnh hưởng tới tỷ lệ đẻ).n

Phạm Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *