Quảng Ninh: Phát triển chăn nuôi chất lượng cao

Để tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Chăn nuôi tỉnh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Đồng thời, gỡ những nút thắt trong chăn nuôi thông qua các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ…

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, phát triển ổn định đàn trâu đạt 32.900 con, đàn bò 40.000 con, đàn lợn 420.000 con, đàn gia cầm 5,1 triệu con. Sản lượng thịt hơi đến năm 2025 đạt 124.000 tấn. Mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn trung bình đạt từ 3,5 – 4,5%/năm; nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt trên 60%.

nuôi bò quảng ninh

Chăn nuôi bò tại Công ty TNHH Phú Lâm (TP Móng Cái). Ảnh: Mạnh Trường

Mỗi địa phương có ít nhất một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 70%; hình thành được 4 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; xây dựng ít nhất một vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp cần giải quyết những nút thắt khi chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 96%. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 41.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 1.244 trang trại chăn nuôi và 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Việc chăn nuôi nông hộ dẫn đến tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều cơ sở chăn nuôi có sử dụng hệ thống xử lý chất thải nhưng vượt quá quy mô công suất.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án chăn nuôi quy mô lớn, cơ sở hạ tầng chăn nuôi đầu tư còn hạn chế, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và chưa hình thành chuỗi sản xuất ra sản phẩm sạch và an toàn.

nuôi gà quảng ninh

Chăn nuôi gà tại xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà

Để từng bước khắc phục hạn chế, phát triển ngành Chăn nuôi chất lượng cao, ngành Nông nghiệp đã tiến hành rà soát vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch; chú trọng thực hiện kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững; khuyến khích các mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng biện pháp đảm bảo môi trường.

Đặc biệt, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp chăn nuôi lớn: Công ty TNHH Phú Lâm, quy mô từ 10.000-12.000 con bò; Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, quy mô 38.000-45.000 con lợn, sản lượng 700 tấn/tháng; Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH MTV Phát triển nông – lâm – ngư Quảng Ninh, quy mô 1.050 con lợn nái Móng Cái cụ kỵ, ông bà; Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông – lâm – ngư nghiệp Phúc Long, quy mô 5.000 con gà Tiên Yên bố mẹ; Công ty Minh Châu, quy mô 949 con lợn nái ngoại; Trại gà Tân An, quy mô 10.000 con gà đẻ trứng. Trong năm 2021, có 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang triển khai; 11 dự án chăn nuôi đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bền vững với môi trường.

Từ những chính sách hỗ trợ cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đến hết năm 2021, giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi toàn tỉnh Quảng Ninh tăng 7,6% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 56%. Cụ thể, đàn trâu đạt 29.010 con, đàn bò trên 35.660 con, đàn lợn là 276.200 con, đàn gia cầm trên 4,2 triệu con.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 hợp tác xã và 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại, 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tỉnh đang phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, như vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái với 32ha; vùng chăn nuôi gà Tiên Yên với 850.000 con; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với 1.341ha.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN&PTNT): Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, cụ thể như đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng cao.

Vì vậy, ngành Chăn nuôi sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất nông sản, hình thành chuỗi giá trị tuần hoàn chặt chẽ, gia tăng chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định nguồn cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn.

Hoàng Quỳnh

Nguồn: Báo Quảng Ninh
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *