Ninh Bình: Hoa Lư từng bước khống chế dịch tả lợn châu Phi

Cuối tháng 9, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện Hoa Lư với 8/11 xã, thị trấn có dịch. Tuy nhiên, nhờ khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp bao vây, dập dịch đến nay, tình hình dịch bệnh ở đây đang từng bước được khống chế. Hiện, có 2 xã đã công bố hết dịch và 2 xã đủ điều kiện công bố hết dịch.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Hoa Lư xảy ra 2 đợt dịch tả lợn châu Phi: Đợt 1 (từ ngày 4/1  đến  ngày 27/5/2021),  dịch xảy ra rải rác, nhỏ lẻ ở hơn chục hộ chăn nuôi, số lợn chết phải tiêu hủy chỉ là 47 con. Tuy nhiên, đến đợt bùng phát lần thứ 2 (từ ngày 19/9 đến nay), dịch lây lan nhanh, mạnh hơn, với 8/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có dịch. Tổng số lợn chết phải tiêu hủy là 203 con, tương đương với trọng lượng trên 9 tấn.

hoa lư khống chế dịch tả lợn châu phi

Xã Ninh Vân tiếp nhận vôi bột để khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi.

Để  nhanh  chóng khống  chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND huyện Hoa Lư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với đặc điểm của địa phương và từng giai đoạn chống dịch khác nhau. 

Cụ thể như: yêu cầu UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê số liệu đàn lợn để nắm bắt, làm cơ sở phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các cấp về tình hình dịch bệnh, các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn để nhân dân hiểu rõ, nắm vững các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt "5 không": không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý làm thức ăn cho lợn.

Ông Phạm Thái Thạch, Trưởng Phòng  Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Với các ổ dịch phát sinh, chúng tôi lập tức cử cán bộ chuyên môn xuống cùng với các địa phương tổ chức kiểm đếm, cân, phân loại đàn lợn; tiến hành tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, nghi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tập trung khống  chế  khoanh vùng, dập  dịch  nhanh gọn  theo  đúng quy trình kỹ thuật, không để lây lan ra diện rộng. 

Cùng với việc tiếp nhận 1.400 lít hóa chất do tỉnh cấp, huyện còn trích ngân sách mua 29 tấn vôi bột và hỗ trợ 44 triệu đồng kinh phí mua vôi bột cho các xã, thị trấn để tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường. Do làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung huy động mọi nguồn lực phòng chống, chủ động dập dịch nên đến ngày 10/11/2021 trên địa bàn huyện đã có 2 xã Ninh Vân và Ninh Thắng công bố hết dịch tả lợn châu Phi; 2 xã Ninh Khang, Ninh Mỹ đã đủ điều kiện công bố hết dịch (qua 21 ngày không có ổ dịch mới phát sinh).

Ninh  Vân  là xã  đầu  tiên  của huyện Hoa Lư cũng như của tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi trong đợt này. Ông Vũ Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã chia sẻ kinh nghiệm: Quan trọng nhất là phải nhanh chóng phát hiện và xử lý sớm ổ dịch. Như cuối tháng 9 vừa qua, khi được tin 2 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có lợn chết, chúng tôi đã lập tức xuống kiểm tra, xác minh, yêu cầu chủ hộ cam kết không được bán chạy, không giết mổ, không di chuyển đàn lợn, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi và khoanh vùng tổ chức phun hóa chất khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, các hộ chăn nuôi lân cận. 

Đồng thời, ra quyết định tiêu hủy đàn lợn nghi bị bệnh ngay trong ngày. Hôm sau, khi có phiếu trả lời xét nghiệm kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, xã cho tạm dừng mọi hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và huy động mọi nguồn lực phòng chống dập dịch nên trên địa bàn không xuất hiện thêm ổ dịch nào khác. Đến nay xã đã đủ điều kiện công bố hết dịch.

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi tại huyện Hoa Lư đã cơ bản được khống chế nhưng cơ quan chuyên môn nhận định từ nay đến cuối năm nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn rất cao. Nguyên nhân là do chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu ở quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, phân tán nên khó khăn trong quá trình kiểm soát dịch bệnh. Hơn nữa thời điểm cuối năm, việc vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ thịt lợn trong dịp lễ Tết tăng cao. 

Do vậy, huyện Hoa Lư xác định tiếp tục siết chặt các hoạt động quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tái đàn, tăng đàn, giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là không để người chăn nuôi tái đàn trong vùng dịch. Tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động khai báo khi có dịch bệnh trên đàn lợn và thực  hiện các  biện  pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn.

Bà Phạm Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoa Lư khuyến cáo: Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, bà con cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng phòng dịch từ xa: mua lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định, được kiểm dịch; chuồng nuôi tách biệt với khu sinh hoạt; định kỳ khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường chăn nuôi, ủ phân sinh học;  hạn  chế  hoặc không  cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp để tiêu diệt, ngăn ngừa côn trùng, chuột hoặc động vật khác (chó, mèo…) vào khu vực chăn nuôi.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn: Báo Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *