VIPA kiến nghị tháo gỡ khó khăn ngành chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Tại Hội nghị Sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã thay mặt doanh nghiệp, thành viên VIPA đưa ra những kiến nghị để tháo gỡ nhưng khó cho ngành trong những tháng cuối năm và thời gian tới.

Hiện nay ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng, đặc biệt ngành gia cầm đang đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đứng trước nguy cơ mất vốn và có thể phải ngừng hoạt động nếu hết năm nay dịch COVID-19 không được khống chế. Vì vậy, chúng ta cần có cách nhìn khách quan, biện chứng, nhận diện đúng tình hình để từ đó tìm giải pháp phù hợp và kịp thời nhằm tìm lối thoát cho ngành nông nghiệp trước mắt cũng như lâu dài.

Thực ra, câu chuyện khó khăn của ngành gia cầm đã xuất hiện từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi mà năm 2019, ngành này đã phát triển quá nóng, dẫn đến cung vượt cầu, giá bắt đầu giảm. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng thịt gia cầm năm 2019 đã tăng 35%, trứng tăng 24% so với năm 2018. Chính vì vậy, bước sang năm 2020 đặc biệt năm 2021, theo điều tiết của quan hệ cung cầu, tăng trưởng của ngành gia cầm đã chậm lại, thậm chí 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng trưởng âm so với đầu năm 2020. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 kể từ 28/4/2021 khiến cả tổng cung và tổng cầu đều giảm sút nghiêm trọng.

Hội nghị Sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9

 

Về sản xuất

Nhìn chung 8 tháng đầu năm, đặc biệt 3 tháng gần đây, ngành gia cầm giảm sút cả về sản lượng và giá trị so với năm ngoái 2019 và 2020, ước giảm 35 – 50%, tùy từng mặt hàng.

– Theo số liệu của VIPA, năm 2019 và năm 2020, tổng đàn gà cả nước sản xuất hàng tháng khoảng 50 – 60 triệu con/tháng. Trong đó miền Bắc 23 triệu con (gà trắng 6 triệu, gà màu 17 triệu con/tháng), miền Nam 36 triêu/tháng (gà trắng 12 triệu con, gà lông màu 24 triệu con). Đến thời điểm này, đàn gà cả nước giảm xuống còn 32 – 35 triệu con/tháng (trong đó miền Bắc còn 13 – 14 triệu con/tháng, miền Nam còn 17 – 18 triệu con/tháng).

– Đàn vịt cả nước từ 7 triệu con/tháng nay còn 4,5 – 5,0 triệu/tháng

– Sản lượng trứng từ 40 – 41 triệu quả/ngày năm 2019 nay xuống còn 30 – 31 triệu quả/ngày.

 

Về thương mại

 Hiện nay, do thị trường gia cầm giảm mạnh cả cung và cầu, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm đều gặp rất nhiều khó khăn, giá bán con giống và gia cầm thịt đều giảm sâu, chỉ trừ mặt hàng trứng là tăng giá. Tại miền Bắc không có tình trạng bị tồn đọng lớn gà thịt như ở miền Nam. Tuy vậy, mức độ tiêu thụ chậm và giá bán so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội đều giảm mạnh. Tại miền Nam, tiêu thụ gà trắng vẫn rất khó khăn, tồn đọng khoảng 9 – 10 triệu con, giá bán ½ giá thành. Cụ thể giá các mặt hàng gia cầm trong cả nước như sau:

– Gà con giống lông màu 1 ngày tuổi tại 3 miền Bắc, miền Trung, Nam dao động 5.000 – 6.000 đồng/con (với giá bán này không có lãi mà còn lỗ), giảm 10 – 12 % so với năm ngoái.

– Gà thịt lông màu tại miền Bắc, miền Trung, Nam giảm 16 – 17% so với năm ngoái.

– Gà thịt lông trắng miền Bắc giảm 28% so với bình quân năm ngoái, tại Nam Trung bộ, miền Đông và miền Tây giảm 59 – 61 % so với bình quân năm ngoái.

– Giá vịt thịt tại miền Bắc, miền Nam giảm 33 – 35% so với năm ngoái.

– Trứng gà tại trại ở Miền Bắc, miền Trung 2.300 – 2.500, tăng 52% so với tháng 7 và 33% so bình quân năm ngoái, miền Tây và miền Đông 2.000 – 2.400 tăng 26 – 27% so với tháng 7 và tăng 48 – 50% so với năm ngoái.

– Trứng vịt ở cả 3 miền 2.500 – 2.800 đồng/quả, trong đó miền Bắc và Trung tăng 19 – 20% so với bình quân tháng 7 và tăng 28 – 29% so với năm ngoái, miền Tây và Đông tăng 13 – 16% so với bình quân tháng 7 và 18 – 19% so với năm ngoái.

Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất giống gia cầm trong VIPA đều giảm quy mô đàn từ 35 – 40% do thua lỗ vì không tiêu thụ được con giống hoặc tiêu thụ chậm, giá bán dưới giá thành.

Nguyên của thực trạng khó khăn nêu trên là do: Khủng hoảng dịch bệnh COVID-19; Khủng hoảng về thị trường (mất cần đối cung cầu, mà trong thời điểm này cả tổng càu và tổng cung đều giảm).

 

Dự báo tình hình 3 tháng cuối năm

Kịch bản 1: Cuối tháng 9 cả nước kiểm soát được dich COVID-19

Nếu từ tháng 10 trở đi cả nước kiểm soát và khống chế được dịch COVID-19, các địa phương dỡ bỏ giãn cách xã hội, thì tổng cầu sản phẩm gia cầm sẽ tăng trở lại và lúc đó tổng cung sẽ tăng, thị trường sẽ được cải thiện. Và nguồn cung sản phẩm thịt trứng gia cầm nội địa có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu 3 tháng cuối năm, nhưng giá bán sản phẩm sẽ tăng.

Kịch bản 2: Dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế

Nếu trong tháng 9 dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế thì cả tổng cầu và tổng cung vẫn không tăng, tình hình sản xuất và thương mại gia cầm vẫn tiếp tục khó khăn, hậu quả là ngành gia cầm lần đầu tiên trong 10 năm gần đây sẽ tăng trưởng âm so với năm 2020. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sản phẩm gia cầm nội địa có thể xảy ra 3 tháng cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Về nhập khẩu thịt gà

Dự báo nhập khẩu thịt gà các tháng cuối năm sẽ tăng mạnh, ước sản lượng thịt gà đông lạnh các loại nhập khẩu cả năm khoảng 150 – 180 ngàn tấn.

 

Khó khăn và kiến nghị

Hiện nay, ngành chăn nuôi nước ta đang phải đối mặt với 2 khủng hoảng lớn và còn lâu dài, đó là: Khủng hoảng dịch bệnh cả trên người và trên gia súc; Khủng hoảng thị trường.

Khó khăn trước mắt: Ách tắc vận chuyển lưu thông hàng hóa tại một số địa phương; Thị trường tiêu thụ rất khó khăn cả đầu vào và đầu ra; Thiếu vốn để duy trì sản xuất; Các cơ sở sản xuất lớn chưa được tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, VIPA đã có văn bản chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành một số giải pháp, bao gồm 8 nhóm vấn đề (Lưu thông, vận chuyển hàng hóa; Tín dụng; Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu TĂCN; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Giảm phí và lệ phí; Giảm tiền thuê đất; Giảm tiền điện; Tiết giảm các thủ tục hành chính). Tại cuộc họp này chúng tôi kiến nghị Bộ, ngành trước mắt ưu tiên giải quyết ngay 4 vấn đề sau: Giải quyết dứt điểm ách tắc trong lưu thông vận chuyền hàng hóa; Tín dụng (khoanh nợ, tái cấp vốn); Ưu tiên tiêm vaccine cho các cơ sở sản xuất chăn nuôi, chế biến giết mổ; Tiết giảm một số thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, VIPA kiến nghị Bộ NN&PTNT:

Cần đánh giá lại một cách toàn diện và trúng thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, để có các giải pháp phù hợp (bao gồm tình hình sản xuất, thương mại, khó khăn vướng mắc, thực thi luật, chính sách… Trong đó, cần phải có sự thống nhất về số liệu thống kê của từng ngành hàng, bảo đảm sát với thực tế hơn.

Cần rà soát lại Chiến lược phát triển một số ngành hàng chăn nuôi sau đại dịch COVID-19, trong đó thay đổi cả về định hướng, mục tiêu phát triển và cả các nhóm chính sách. Bởi vì đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cục diện sản xuất và thương mại trong nông nghiệp toàn cầu. Cần có các kịch bản và giải pháp khác nhau để ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Trong đó, khủng hoảng về dịch bệnh trên người, trên vật nuôi và khủng hoảng về thị trường sẽ thường xuyên xẩy ra, mà ngành chăn nuôi phải đối mặt. Câu chuyện khủng hoảng nguyên liệu TĂCN toàn cầu là ví dụ điển hình về sự tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước. Hay là sự khủng hoảng khâu giết mổ chế biến tập trung và lưu thông thời gian qua tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội đã làm gia tăng biên độ về giá sản phẩm chăn nuôi giữa các khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi vốn đã bất cập, nay càng trầm trọng hơn.

Đã đến lúc phải có Chiến lược phát triển sản xuất nguyên liệu TĂCN trong nước một cách bài bản, căn cơ để giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

TS. Nguyễn Thanh Sơn,

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *