Vĩnh Phúc: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm (GSGC) của người dân tăng mạnh. Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cũng như hạn chế sự lây lan của các loại dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động giết mổ và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm GSGC không rõ nguồn gốc, điều kiện vệ sinh thú y lưu thông trên thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 761 cơ sở giết mổ GSGC. Do số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu nằm rải rác trong khu dân cư nên công tác kiểm soát mới chỉ thực hiện được tại 2 cơ sở giết mổ tập trung là cơ sở thuộc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt (xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên) và nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu, xã Hợp Châu (Tam Đảo).

Cơ sở Phát Đạt có công suất thiết kế 200 con lợn/ngày, nhưng từ khi đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, lúc cao điểm nhất cơ sở giết mổ này cũng chỉ đạt 70 con lợn/ngày, hiện nay duy trì giết mổ dưới 20 con lợn/ngày, chưa đạt 10% công suất thiết kế.

Nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu, xã Hợp Châu (Tam Đảo) thuộc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam công suất 4.000 con/ngày phục vụ chuỗi sản xuất của công ty; song, hiện nay, hoạt động giết mổ của nhà máy này cũng cầm chừng, giết mổ bình quân dưới 2.000 con/ngày, đạt 50% công suất thiết kế do khó khăn trong đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

giết mổ gia cầm

Nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu (Tam Đảo) đầu tư dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại đảm bảo VSATTP. Ảnh: Thế Hùng

Tại các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, chủ cơ sở chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ giết mổ đảm bảo cũng như hệ thống xử lý chất thải, nước thải; việc giết mổ thực hiện trực tiếp trên sàn, chưa có khu giết mổ riêng biệt, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trên đàn vật nuôi, ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh đó, do sợ ảnh hưởng tới lợi nhuận, một số hộ chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn cố tình không khai báo, trốn tránh công tác làm kiểm dịch vận chuyển, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm soát.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) đã cấp hơn 13.300 giấy chứng nhận (GCN) kiểm dịch động vật; kiểm soát giết mổ gần 1.000 con trâu, bò và gần 4.000 con lợn, hơn 564 nghìn con gia cầm các loại.

Cấp 2 GCN đảm bảo ATTP cho 2 cơ sở giết mổ, sơ chế thịt GSGC; cấp 3 GCN cơ sở an toàn dịch bệnh cho 3 cơ sở chăn nuôi lợn.

Đồng thời, phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Công an kinh tế huyện Yên Lạc thực hiện kiểm tra và xử lý 2 vụ buôn bán động vật, sản phẩm động vật không có GCN kiểm dịch; tiêu hủy hơn 300 kg lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Theo dự báo của ngành chức năng, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao.

Đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng để đưa các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP vào địa bàn tiêu thụ.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Kiểm soát việc giết mổ, vệ sinh thú y và phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn.

Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Công thương và ngành Y tế, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19, các địa phương đã và đang từng bước xoá các điểm chợ tạm, chợ cóc, bán hàng rong ven đường.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng chống dịch cho các tiểu thương kinh doanh buôn bán tại chợ và người dân khi tham gia mua bán hàng hóa.

Quan trọng hơn hết, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho bản thân và cả gia đình, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông minh, kiên quyết không mua bán GSGC tại các cơ sở, điểm giết mổ tự phát, không đảm bảo VSATTP.

Lưu Nhung

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *