Đột phá cho xuất khẩu gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Xuất khẩu gia cầm đang thu được những kết quả lạc quan và dự báo 2024 sẽ là một năm đột phá với nhiều thị trường quan trọng được khai thông.

Ấn tượng bất ngờ

2023 là năm xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng vì suy thoái kinh tế thế giới, giá cả leo thang khi chiến tranh xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh xuất khẩu ảm đạm, ngành chăn nuôi đã bất ngờ thu được những kết quả khả quan ngoài mong đợi.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22.450 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022. Các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới, trong đó tập trung vào Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Bỉ, Papua New Guinea, Malaysia, Campuchia, Pháp, Mỹ…

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm dạng thịt, sản phẩm làm khô hoặc hun khói… Trong số đó, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là heo sữa và heo nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu lên tới 10.770 tấn, trị giá 63,35 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 24,7% về trị giá so với năm 2022.

Ngoài ra, xuất khẩu thịt và phụ phẩm sau giết mổ của gia cầm tăng mạnh, đạt 4.770 tấn, trị giá 12,04 triệu USD, tăng 136,1% về lượng và tăng 214% về trị giá so với năm 2022.

Đa dạng hóa thị trường

Hồng Kông (Trung Quốc) đang là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,88% về lượng và chiếm 54,44% về trị giá. Sản phẩm chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh… Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu sang nhiều thị trường tại hầu hết các châu lục…

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Đây là tín hiệu lạc quan cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. 

xuất khẩu gia cầm

Dự kiến ngay trong quý 1/2024, thịt gà Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Anh, Hàn Quốc. Ảnh: Công ty Ba Huân

Hiện Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ ký Nghị định thư về tổ yến (vào ngày 9/11/2022) và về sữa (vào năm 2019). Nhờ có Nghị định thư, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt sản phẩm sữa đã chiếm 93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tới thị trường Trung Quốc.

Việc Trung Quốc xem xét đẩy mạnh nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam chắc chắn sẽ thúc đẩy giá trị thương mại đáng kể. Với thị trường 1,4 tỷ dân, Trung Quốc tiêu thụ lượng sản phẩm thịt có giá trị khoảng 400 tỷ USD/năm. Thuận lợi về địa lý cũng như sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, có thể nói ngành gia cầm đang đứng trước cơ hội phát triển đột phá nếu xuất khẩu vào Trung Quốc sớm được khai thông. 

Áp lực từ nhập khẩu 

Những năm vừa qua, nếu xuất khẩu gạo, điều, tôm, cá tra… các loại phát triển khá nhanh thì xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chỉ đang mang tính thăm dò và khai phá thị trường, bởi đây là lĩnh vực chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. 

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716.890 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.

Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 1/2024, chủ yếu là thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1,07 nghìn tấn, trị giá 6,27 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 20,8% về giá trị so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.865 USD/tấn, giảm 6,8% so với tháng 12/2023, nhưng tăng 10,1% so với tháng 1/2023. Thịt heo, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Campuchia, Singapore, Malaysia và Lào.

Cũng trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá gần 128 triệu USD, tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, nhìn chung áp lực nhập khẩu vẫn rất lớn vào đầu năm 2024. Người nông dân và các doanh nghiệp kỳ vọng những chính sách mở mang xuất khẩu sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, qua đó dần cân bằng cán cân xuất – nhập khẩu trong chăn nuôi. 

Nỗ lực phát huy nội lực 

Đến cuối năm 2023, cả nước có 3.940 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố; trong đó có 2 vùng cấp tỉnh, 64 vùng cấp huyện; 240 vùng cấp xã và 3.634 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đây là cơ sở để sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam “cất cánh” đi các thị trường. 

Một loạt các nước đã tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, liên kết xuất khẩu. Mới đây, các quốc gia Hàn Quốc, Anh đã cử đoàn thanh tra sang làm việc với Cục Thú y, trực tiếp đi đánh giá hệ thống quản lý chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu. Dự kiến ngay trong quý 1/2024, thịt gà Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Anh, Hàn Quốc. 

Với thị trường Trung Quốc, theo các nghiên cứu quốc tế, sản lượng gà lông trắng và lông màu của Trung Quốc giảm 3%, đạt 13,9 triệu tấn vào năm 2024. Đây là một trong những lý do mà quốc gia này tìm nguồn nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, năm 2023, doanh số xuất khẩu của nhà máy CPV Food Bình Phước (thuộc C.P. Việt Nam) đã tăng hơn 3 lần so với năm 2021, trong đó phần lớn đến từ thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, còn có các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Lào, Campuchia…

Theo kế hoạch từ năm 2024, nhà máy CPV Food Bình Phước hướng tới mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu lên đến 200 triệu USD mỗi năm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông…

Giảm giá thành sản phẩm 

Khó khăn nhất trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn là giá thành, đặc biệt là chi phí thức ăn. Hai quốc gia xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lớn nhất thế giới là Brazil và Mỹ đều đồng thời là những quốc gia sản xuất đậu nành và ngô lớn nhất thế giới. 

giá thành gia cầm

Khó khăn nhất trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn là giá thành. Ảnh: Chu Khôi

Để khắc phục tình trạng phụ thuộc nhập khẩu gần 90% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, cả nước đang tập trung phát triển trồng trọt nguyên liệu cho ngành chăn nuôi. Theo quy hoạch, đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt khoảng 950.000 – 1.100.000 ha, sản lượng 4,8 – 5,5 triệu tấn. Hiện nay, diện tích trồng ngô cũng đã đạt khoảng 942.000 ha; sản lượng 4,6 triệu tấn ngô hạt. 

Lợi nhuận từ trồng ngô hiện chưa cao so với các loại cây khác, đồng thời năng suất cũng còn thấp (năng suất trồng ngô của Việt Nam trung bình 4,84 tấn/ha/năm, trong khi năng suất ngô ở Mỹ khoảng 10 – 11 tấn/ha). Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, rất cần chính sách hỗ trợ người trồng ngô cũng như có nhiều nghiên cứu khoa học về giống và quy trình trồng trọt để tăng năng suất, từ đó tăng sản lượng ngô. 

Với nhiều chính sách phù hợp và hiện đại, từ chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu, ngành chăn nuôi Việt Nam đang có những thành công ấn tượng. Người chăn nuôi hy vọng năm 2024, với việc khơi thông nhiều thị trường mới, sản phẩm chăn nuôi sẽ được tiêu thụ nhiều hơn và thu nhập, đời sống người chăn nuôi sẽ được cải thiện hơn nữa.

>> Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Đây là tín hiệu lạc quan cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. 

Nguyễn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *