Trà Vinh: Nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Từ ngày 15/9 đến ngày 15/10/2023, ngành Thú y tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp các địa phương triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 02 năm 2023” trong lĩnh vực chăn nuôi. Các hoạt động sẽ tập trung vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi công cộng nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh… để tiêu diệt các loại mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh.

Ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: hàng năm, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đều triển khai tháng tiêu độc khử trùng trên quy mô cả nước; nhằm ngăn ngừa và tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, tránh phát tán.

Đối với tỉnh Trà Vinh, việc triển khai tháng tiêu độc, khử trùng được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo cho ngành nông nghiệp, thú y tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Đây cũng là điều kiện để giúp người chăn nuôi trong tỉnh nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa.

Qua ghi nhận trong 02 tuần đầu triển khai thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 02 năm 2023”, nhìn chung, ý thức của người dân có phối hợp tốt với lực lượng phun xịt, cán bộ thú y. Tuy nhiên, do trong thời điểm mưa bão, lực lượng phun xịt gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, khu vực chăn nuôi nằm rải rác…

Khu vực ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành có số hộ nuôi gia súc (chủ yếu nuôi bò) khá lớn, toàn ấp có trên 85% hộ có nuôi bò (tương đương khoảng 250 hộ), trung bình từ 03 – 20 con bò/hộ.

phòng chống dịch bệnh

Ông Huỳnh Sơn thực hiện phun xịt thuốc sát trùng xung quanh khu vực nuôi bò của gia đình bà Thạch Thiên.

Ông Huỳnh Sơn, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Hương Phụ B cho biết: bản thân đã tham gia cùng với lực lượng thú y trong nhiều năm nay, với công việc phun xịt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường mỗi khi có triển khai chiến dịch. Do ấp có đông đồng bào Khmer, chiếm trên 90% dân số và phần lớn các hộ đều có nuôi bò; nên ngoài việc thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường còn lồng ghép gắn với công tác tuyên truyền cho người dân về chăn nuôi an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định về tiêm phòng cho đàn vật nuôi… Nhìn chung, hiện nay ý thức của người nuôi gia súc, gia cầm được nâng lên rất cao; khi địa phương triển khai công tác tiêm phòng hay vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đều nhận được sự hưởng ứng cao của người chăn nuôi.

Theo kế hoạch thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 02 năm 2023”, toàn tỉnh sẽ phun xịt khử trùng khu vực chăn nuôi của khoảng 130.850 hộ nuôi gia súc, gia cầm và thực hiện 02 đợt phun xịt. Tổng số hóa chất sử dụng khoảng 8.000 lít thuốc sát trùng và huy động khoảng 856 người tham gia phun xịt. Riêng trong “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 01 năm 2023”, đã thực hiện với tổng diện tích phun xịt 14,76 triệu mét vuông chuồng trại; sử dụng 9.086 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại 280.610 lượt hộ, 39 chợ và dập dịch bệnh dịch tả heo châu Phi…

Cũng theo ông Ngô Đức Thạnh, để tăng tính hiệu quả trong công tác phun xịt, việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ rửa sạch. Ngoài phun xịt các khu vực chăn nuôi của các hộ nuôi gia súc, gia cầm; địa phương thành lập các tổ, đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu,… Riêng những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.

Trên địa bàn huyện Cầu Kè, thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 02 năm 2023” có khoảng 19.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cần được phun xịt khu vực chăn nuôi.

Đồng chí Sử Thanh Trúc, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè cho biết: đến ngày 27/9, huyện đã triển khai công tác phun xịt, vệ sinh tiêu độc, khử trùng các khu vực chuồng trại của 12.636 hộ nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, do trong thời điểm mùa mưa nên lực lượng thực hiện phun xịt gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi không có sự chuẩn bị tốt như vệ sinh chuồng trại và dọn dẹp các chất thải trước khi lực lượng phun xịt đến, nhằm tăng hiệu quả của thuốc trong quá trình phun xịt, vệ sinh tiêu độc…

Bài, ảnh:Hữu Huệ

Nguồn: Báo Trà Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *