Rủi ro bủa vây ngành heo toàn cầu

(Người Chăn Nuôi) – Chi phí thức ăn tăng cao, khó khăn dịch bệnh và mục tiêu bền vững tiếp tục gia tăng thách thức với ngành chăn nuôi heo toàn cầu năm 2021.

ASF – mối đe dọa số 1

Từ khi Dịch tả heo châu Phi (ASF) được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2018, dịch bệnh đã nhanh chóng lan sang 26 quốc gia. Chưa có vaccine hiệu lực hoặc có khả năng kìm hãm nên ASF đến nay vẫn là mối đe dọa số 1 đối với ngành heo toàn cầu.

Tại Trung Quốc, sau khi tổn hại hơn một nửa tổng đàn heo trong 18 tháng đầu tiên từ khi ASF bùng phát, quốc gia này đã nỗ lực phục hồi đàn heo trong năm 2020 và đón những dấu hiệu tích cực vào năm 2021. Mặc dù các báo cáo của Trung Quốc ghi nhận dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát và nỗ lực của cả nước trong việc nhanh chóng phục hồi đàn heo, ngành heo vẫn chịu tổn thất tương đối lớn vào mùa đông 2020 nhưng ở mức độ nào thì vẫn chưa công bố. Nhiều báo cáo xác nhận các chủng biến thể của ASF đã xuất hiện mà nguyên nhân chủ yếu do người chăn nuôi dùng vaccine ASF trái phép.

Christine McCracken, chuyên gia chăn nuôi tại Rabobank cho biết, ngành chăn nuôi heo tại Trung Quốc cũng đang đau đầu giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh PEDv và PRRS khiến tỷ lệ heo con chết tăng cao và phải tiêu hủy heo nái, heo thịt. Mặc dù vậy, tổng sản lượng thịt heo của Trung Quốc trong năm nay dự báo tăng trưởng 8 – 10% so năm ngoái, theo Rabobank. Trung Quốc tiếp tục tác động đến thị trường nguyên liệu thức ăn trên toàn thế giới do tiêu thụ thức ăn chăn nuôi heo trong năm 2021 dự kiến tăng 11% so năm ngoái.

Ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc và Đông Nam Á đã có sự thay đổi tích cực sang các hệ thống an toàn sinh học chỉ trong thời gian ngắn, McCracken ghi nhận. Lợi nhuận tốt và đầu tư mạnh hơn vào sản xuất đã chứng tỏ xu hướng sử dụng thành phần thức ăn chất lượng cao hơn về giá trị sức khỏe và lợi ích dinh dưỡng, Yanbin Shen, Giám đốc kỹ thuật tại APC cho biết. Theo nhận định của Zach Rambo, Giám đốc chăn nuôi heo tại Bắc Mỹ, Zinpro Performance Minerals, về lâu dài, ASF sẽ thúc đẩy các hãng chăn nuôi heo tại Trung Quốc đẩy mạnh tích hợp và liên minh để quản lý dịch bệnh tốt hơn ngay trong hệ thống sản xuất của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ mất ít nhất 3 năm nữa mới đưa ngành heo quay lại thời hoàng kim như trước đại dịch ASF.

ASF tiếp tục nổi lên ở nhiều nước Đông Nam Á, gần đây nhất là Hàn Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia, theo báo cáo của FAO. Từ khi nhiều hãng chăn nuôi heo tại Đông Nam Á thiếu hụt nguồn tài chính hoặc hạ tầng cơ bản để hạn chế tốc độ lây lan của ASF trong khu vực, thì khả năng kìm hãm virus này tiếp tục trở thành một thách thức lớn, McCracken nói. Chỉ có ngành heo tại Việt Nam cho thấy, tín hiệu tích cực khi dự báo cầu tiêu thụ thức ăn tăng cao 8% so năm 2020.

ngành heo toàn cầu

ASF vẫn là mối đe dọa lớn nhất với ngành chăn nuôi heo

ASF cũng xuất hiện ở 11 nước châu Âu, trong đó có Đức – quốc gia dẫn đầu về chăn nuôi heo. Phần lớn các đợt bùng phát ASF tại châu Âu đều xảy ra trên đàn heo rừng và trại nông hộ, tuy nhiên đợt bùng phát mới đây tại một trại công nghiệp ở Ba Lan đã khiến 16.000 heo bị tiêu hủy. Người chăn nuôi trên toàn châu lục vẫn nâng cao cảnh giác để ngăn chặn dịch bệnh lan sâu hơn vào các trại công nghiệp. 

 

Thương mại bất ổn

Vượt xa hơn những thách thức sản xuất và tổn thất mà ASF gây ra cho người chăn nuôi, virus này tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Dù nhu cầu nhập khẩu thịt heo từ những khu vực không bị ảnh hưởng như Brazil, Mỹ, Canada vẫn tăng, ASF đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong các dự báo sản xuất thịt heo và cân đối kế toán.

Các nước đứng đầu về chăn nuôi heo đang tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc để bù lại lượng thịt heo sụt giảm của quốc gia này, Rambo cho biết. Điều này gây ra hiệu ứng gợn sóng tới các nền kinh tế khu vực. Hơn nữa, sự sụt giảm đàn heo tại Trung Quốc cũng đang tác động đến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi toàn cầu.

Một virus khác là COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu khi các quốc gia và ngành công nghệp phục hồi chậm chạp. Ví dụ, nhu cầu xuất khẩu ở những thị trường đang vật lộn phục hồi sau đại dịch hoặc ở những nơi mà tỷ giá tiền tệ bất lợi đã hạn chế sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ đối mặt những trở lực lớn, McCracken cho biết.  Ngoài ra, các mối quan hệ địa chính trị cũng sẽ định hình thị trường hàng hóa với một tương lai rất khó đoán. Những vấn đề thương mại với châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt Trung Quốc đã mang lại nhiều cơ hội lớn nếu các mối quan hệ tích cực có thể được duy trì, Shen nhấn mạnh. 

 

Chi phí thức ăn tăng, lợi nhuận giảm

McCracken giải thích, trong năm nay, giá thức ăn thô sẽ tăng do nguồn cung thấp và xuất khẩu tăng mạnh cùng sự bất ổn thị trường càng khiến cho các thị trường cung cấp hạt dầu và ngũ cốc biến động mạnh hơn. Đáng tiếc, theo nhiều chuyên gia phân tích thị trường, tình trạng giá thức ăn cao có thể tiếp tục duy trì thời gian dài. Một chu kỳ siêu tăng giá hàng hóa đang có nguy cơ tái xuất quá sớm sau lần gần nhất là vào năm khủng hoảng tài chính 2008. Do đó, người chăn nuôi phải chuẩn bị sẵn tâm thế đối đầu các đợt bão giá thức ăn mới.

Nhà sản xuất thức ăn và dinh dưỡng phải phát triển chiến lược tối đa hóa lợi nhuận đồng thời duy trì hoặc tăng sức khỏe vật nuôi, theo Shen. Cùng đó, sự phụ thuộc vào công nghệ thức ăn sẽ tăng lên để cải thiện tỷ lệ biến đổi thức ăn. Tuy nhiên, cân bằng sản xuất, tiêu thụ, chế biến sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho người chăn nuôi trong năm nay.

>> Theo báo cáo triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi heo toàn cầu, FAO 2021, những vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thịt heo và thức ăn gồm ASF, giá hàng hóa biến động, thương mại, COVID-19 và yêu cầu của người tiêu về các tiêu chí bền vững ngày càng cao.

Tuấn Minh

                (Theo Pigprogress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *