Phòng trị bệnh nghệ trên heo

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Heo bỏ ăn, nằm một chỗ, sốt 40 – 40,5 độ C, ỉa chảy, có biểu hiện vàng da, đái ra máu và phù đầu, tỷ lệ chết cao. Thịt có mùi khét. Xin cho biết cách phòng và trị bệnh như thế nào?.

Trả lời:

Có thể chẩn đoán heo bị bệnh nghệ, bệnh do xoắn khuẩn Leptospira gây nên, thường gọi là bệnh lepto, bệnh xoắn khuẩn, bệnh khét (vì thịt heo ngửi cũng thấy mùi khét đặc trưng). Bệnh lây lan qua nước tiểu, phối giống, qua chuột. Khi chuồng nuôi có bệnh nghệ, heo khỏi bệnh vẫn mang mầm bệnh 1 – 2 năm sau. Bệnh vẫn xảy ra lẻ tẻ ở vài nơi.

Phòng bệnh

Đây là bệnh lây lan sang cả người do vậy cần phòng bệnh nghiêm ngặt, nhất là người trực tiếp thường xuyên tiếp xúc với heo. Khi trong đàn có con bị nhiễm bệnh cần cách ly, điều trị triệt để những con bị bệnh, đồng thời phòng bệnh cho toàn đàn. Mỗi năm định kỳ lấy máu đi kiểm tra phát hiện bệnh ở đàn heo giống. Heo kiểm tra dương tính phải cách ly. Tiêu diệt chuột, ngăn riêng khu vực nuôi heo và các gia súc khác. Tiêm phòng vaccine Lepto cho heo nái và heo đực 2 lần/năm, heo thịt tiêm phòng vào lúc 3 tháng tuổi.

Trị bệnh

Có thể dùng các loại kháng sinh dòng Penicillin, Tetracyclin, Streptomycin tiêm bắp. Hoặc dùng Strepnovil (Streptomycin + Suanovil) 1 ml/5 kg thể trọng, 2 lần/ngày, trong 3 – 4 ngày. Hoặc dùng phối hợp 2 loại thuốc là: sáng dùng Pneumotic 1 ml/10 kg thể trọng, chiều dùng Spec-tilin 1 ml/10 kg thể trọng. Sử dụng liên tục trong 5 ngày liền. Bên cạch đó phối hợp dùng các loại Vitamin B, C để tăng sức đề kháng cho heo. Chú ý chăm sóc hộ lý tốt cho heo trong thời gian điều trị.

 

Hỏi: Vừa qua đàn trâu của gia đình tôi có hiện tượng như: chân có mụn nước, móng sưng, đi tập tễnh sau đó chỉ nằm một chỗ, sốt cao 40 – 410C, xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ bằng hạt đậu mọc sâu ở lớp niêm mạc miệng, vành mõm, lưỡi và có biểu hiện bị đau, bỏ ăn. Xin cho biết cách phòng, trị bệnh này ra sao?

Trả lời:

Với triệu chứng rất điển hình nêu trên, trâu đã bị mắc bệnh lở mồm long móng. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus, có thể lây sang bò, dê, cừu. Mầm bệnh có thể tồn tại trong cơ thể rất lâu. Bệnh lây lan theo đường thức ăn, nước uống và hô hấp do virus xâm nhập vào mắt, niêm mạc từ không khí. Vì vậy, để tránh các tổn thất do bệnh lở mồm long móng gây nên, người nuôi trâu, bò, dê cần phải chú ý phòng bệnh.

Phòng bệnh

Thường xuyên tiến hành tiêu độc, sát trùng. Sử dụng vaccine phòng bệnh. Khi khu vực chăn nuôi xảy ra bệnh, nhanh chóng cô lập vùng bệnh, tiêu diệt những gia súc mắc bệnh. Luôn đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng. Định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng trại. Thức ăn, nước uống phải đầy đủ và đảm bảo sạch sẽ.

Khi phát hiện bệnh, cần báo cáo cơ quan thú y, chính quyền địa phương để tổ chức dập dịch, không để lây lan, tiêu hủy gia súc chết cùng với chất độn chuồng, chất thải. Cách ly và sát trùng nơi ô nhiễm hàng ngày bằng vôi bột, formol 2%. Tiêu độc bãi chăn thả, sau 1 – 2 tháng mới được sử dụng lại.

Điều trị

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu được bệnh này. Khi phát hiện bệnh cần nhốt cách ly những con bị bệnh nặng hơn để điều trị tích cực và tránh lây lan. Đối với con mới bị nhiễm bệnh, dùng dung dịch Xanh Methylen bôi vết mụn, loét. Dùng thuốc an thần, giảm đau để tránh vật giãy giụa, tăng tần số hô hấp gây khả năng lây lan bệnh nặng thêm.

Dùng dung dịch axit axetic loãng hoặc dung dịch thuốc tím 0,1%, phèn chua 2%, gentian violet, cồn I-ốt 10%, giấm chua, nước chanh vắt, nước trà, nước khế ép, nước muối ấm, nên dùng Vimekin (10 g pha với 2 lít nước) để rửa vết thương ngày 2 lần để phòng nhiễm trùng, ruồi nhặng và giúp vết loét mau lành. Cùng với đó là tiêm kháng sinh liên tục trong 4 – 5 ngày để đề phòng bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác. Bôi thuốc mỡ Penicilin, Tetracilin vào vết thương. Bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho con vật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *