Chuẩn bị nguồn thịt gia súc, gia cầm cung ứng thị trường Tết

Hằng năm, nhiều nông dân tăng thu nhập nhờ chăn nuôi, bán dịp Tết. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá bán thịt gia súc, gia cầm chưa cao, nên để có lời, bên cạnh chờ giá tăng dịp cận Tết, người chăn nuôi luôn quan tâm đến việc chăm sóc tốt đàn vật nuôi.

Hiện ông Nguyễn Thanh Phong, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nuôi 80 con heo, trong đó heo nái sinh sản là 3 con, số còn lại là heo con và heo lứa nuôi chuẩn bị bán dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp đến. Ông Phong chia sẻ: “Tôi nuôi heo hơn 15 năm nay, chủ yếu nuôi heo nái sinh sản để bán con giống, bởi bán heo giống thu về lợi nhuận tốt hơn. Thế nhưng cứ đến dịp tết Nguyên đán hằng năm, tôi giữ lại toàn bộ số heo con để nuôi bán thịt”.

Vào dịp tết Nguyên đán 2023, ông đã xuất bán 70 con heo thịt, giá bán 57.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.Còn trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, ông đã chuẩn bị đàn heo cung ứng thịt ra thị trường là 40 con, trọng lượng từ 60 – 70 kg/con, đến ngày 23, 24 Tết heo được xuất bán, ước trọng lượng khoảng 100 kg/con. “Hiện tại, giá heo hơi thương lái mua dưới giá 50.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg nên tôi rất lo lắng, không biết đến Tết giá heo có tăng lên hay không. Nếu giá heo dưới 50.000 đồng/kg, chắc chắn dịp Tết này sẽ bị lỗ nặng. Còn giá heo bằng hoặc cao hơn cùng kỳ Tết năm trước, hộ nuôi có lợi nhuận 500.000 – 600.000 đồng/con heo/100 kg”, ông Nguyễn Thanh Phong ước chừng.

cung ứng thị trường Tết

Ông Nguyễn Thanh Phong, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên đàn heo thịt nuôi chuẩn bị bán trong dịp tết Nguyên đán sắp đến. Ảnh: THÚY LIỄU

Muốn tăng cao thu nhập vào dịp Tết, ông Trần Ngọc Dững, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cũng lên kế hoạch chăn nuôi khá bài bản. Ông Trần Ngọc Dững tâm tình: “Để chuẩn bị đủ số bò thịt cung cấp thị trường Tết, ngay từ đầu năm, tôi đã đi tìm mua 70 bò đực về để vỗ béo. Đàn bò được thu mua tại nhiều địa phương và giống bò khác nhau nên trọng lượng không đồng đều. Tôi phải mất nhiều tháng chăm sóc bằng cách cho ăn đầy đủ cỏ, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết giúp bò lớn nhanh, đạt trọng lượng tốt. Với 70 con bò trên, vào dịp Tết tôi sẽ mổ lấy thịt khoảng 25 con để bán (trọng lượng bò từ 300 – 400 kg/con), số bò còn lại sẽ bán cho thương lái có nhu cầu”. Theo ông Dững, tính riêng đàn bò vỗ béo, dự kiến bán trong dịp tết Nguyên đán 2024, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 700 triệu đồng.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gia súc 475.862 con, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó đàn heo 406.682 con, tăng trên 22%, đàn bò 55.600 con, tăng 2%, đàn trâu 2.380 con, đàn dê 11.200 con. Sản lượng thịt gia súc xuất chuồng 43.063 tấn, tăng trên 20% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có 6,67 triệu con, tăng 3,67% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm 30.114 tấn, tăng 0,56% so với cùng kỳ.

“Để chuẩn bị tốt đàn gia súc, gia cầm phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các địa phương cần thường xuyên tiêm phòng cúm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y ở những điểm mua bán động vật, sản phẩm động vật; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc nơi buôn bán động vật, các sản phẩm của động vật và thực hiện nghiêm việc kiểm dịch gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Khuyến cáo người chăn nuôi cung cấp đầy đủ thức ăn xanh, thức ăn thô nhằm tăng sức đề kháng cho gia súc trong thời điểm giao mùa; đối với gia cầm bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho đàn tăng trưởng tốt. Khai báo ngay với cơ quan thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bệnh, bỏ ăn hoặc chết bất cứ lý do gì…”, đồng chí Lâm Minh Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng khuyến cáo.

Thúy Liễu

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *