Ngành TĂCN Việt Nam: Cơ hội và thách thức

(Người Chăn Nuôi) – Theo Cục Chăn nuôi, ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam sau hơn 20 năm hội nhập đã đạt được những thành tựu to lớn, mức tăng trưởng hàng năm trung bình 8,3%. Với sản lượng đạt 18,8 triệu tấn năm 2018, Việt Nam trở thành nước sản xuất TĂCN công nghiệp đứng thứ 10 thế giới và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên ngành sản xuất TĂCN của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế khiến giá bán đến tay người chăn nuôi chưa phù hợp.

Thu hút vốn đầu tư

TĂCN là ngành thu hút được đầu tư trong và ngoài nước cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp mà gần 100% đều là vốn của tư nhân. TĂCN cũng là ngành có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, với trên 65 nước và vùng lãnh thổ có trao đổi buôn bán về công nghệ, thiết bị và nguyên liệu TĂCN thuộc top mới và hiện đại nhất hiện đại và mới nhất.

Với tổng công suất thiết kế lên đến 40 triệu tấn/năm, các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 40 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất TĂCN. Thị trường Việt Nam có mặt hầu hết các hãng TĂCN lớn và nổi tiếng trên thế giới như Cargill, C.P., De Heus, Japfa…  Các thông tin về giá nguyên liệu trong nước được kết nối, hàng ngày với các trung tâm buôn bán nguyên liệu lớn trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu… Thị trường TĂCN Việt Nam trong năm 2018 có quy mô khoảng 8,24 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm với tốc độ là 5,3%, dự báo sẽ đạt 11,22 tỷ USD vào năm 2024.

TĂCN là ngành thu hút đầu tư lớn trong và ngoài nước. Ảnh: Palmerfeedstore

 

Chất lượng ngày càng cao

Với sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn nổi tiếng và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, TĂCN đã được nâng cao về chất lượng, bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn cho vật nuôi. Tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (chỉ số phản ánh hiệu suất của quá trình chăn nuôi) dao động 2,5 – 2,7 kg thức ăn/kg tăng trọng đối với heo thịt; từ 1,6 – 1,8 kg thức ăn/kg tăng trọng đối với gà công nghiệp, tương đương với các nước phát triển trong khu vực. Trên 80% nhà máy nội địa và 100% nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đã có chứng chỉ ISO hoặc HACCP. Hầu hết các vấn đề sử dụng chất cấm và kháng sinh trong TĂCN công nghiệp đã được kiểm soát.

 

Thức ăn cho heo có thị phần lớn nhất

Ngành TĂCN công nghiệp ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất cho heo chiếm tỷ lệ cao nhất 63,9% và gia cầm chiếm 33,5%, trong khi thức ăn cho bò chỉ chiếm khoảng 2,5%. Cuộc khủng khoảng về giá heo năm 2017 làm cho tình hình thị trường TĂCN không ổn định trong hơn 2 năm vừa qua. Hơn nữa, Dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất TĂCN của cả nước. Tại thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp đang cắt giảm công suất, thu hẹp thị phần.

 

Mất cân đối phân bố, thị phần

Hiện nay, cả nước có khoảng 265 nhà máy TĂCN, trong đó 85 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và 180 doanh nghiệp nội địa. Số lượng nhà máy chế biến TĂCN tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 – 2018 là 12,8 %/năm. Mặc dù chiếm tới 67,9% về số lượng nhà máy nhưng sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 40%. Trong khi nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 32,1% nhưng sản lượng lại chiếm khoảng 60% và có xu hướng gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Số lượng nhà máy TĂCN có sự phân bố không đồng đều giữa các vùng sinh thái. Hai vùng tập trong nhiều nhà máy chế biến thức ăn nhất là Đồng bằng sông Hồng (chiếm 56,9%) và Đông Nam bộ (chiếm 21,8%). Hai vùng này cũng là những nơi sản xuất lượng TĂCN cao nhất đạt 7,9 triệu tấn tại Đồng bằng sông Hồng và 5,7 triệu tấn tại Đông Nam bộ.

 

Phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Để có được sản lượng và quy mô thị trường TĂCN như trên, Việt Nam phải phụ thuộc nặng vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, công nghiệp chế biến thức ăn bổ sung, phụ gia nước ta chưa phát triển. Hầu hết các nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn bổ sung, vi khoáng, vitamin… đều phải nhập khẩu. Trong năm 2018, tổ chức đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam ước tính, 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm TĂCN công nghiệp, là từ nguồn nhập khẩu và dự báo trong năm 2019 có thể tăng lên 76%.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi hơn 3,9 tỷ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu thô trong năm 2018 và khoảng 3,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019. Nguyên liệu thô nhập khẩu chủ yếu là lúa mỳ, bột đậu tương, ngô, bã bia rượu khô và nguồn protein động vật như bột thịt, bột xương và bột cá. Các thị trường chính cung cấp TĂCN và nguyên liệu thô cho Việt Nam trong năm 2019 là Argentina, Mỹ, Trung Quốc và Brazil… Trong đó, Argentina trở thành thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với hơn 1,2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 27,55% so cùng kỳ năm 2018.

Sản lượng các nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nội địa như: Ngô, cám gạo, gạo tấm và sắn… không tăng, thậm chí là giảm trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất trồng cây nguyên liệu không phát triển thêm, nhu cầu cho xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và nhiên liệu sinh học tăng.

 

Giá bán đến tay người chăn nuôi chưa phù hợp

Nguồn: Cục Chăn nuôi

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá thành TĂCN của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của khu vực khoảng 10 – 15%. Một số nguyên nhân sau đây có thể lý giải cho thục trạng này:

• Tỷ trọng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt nhóm thức ăn bổ sung, phụ gia làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất trong nước.

• Phân bố các nhà máy, cơ sở chế biến TĂCN không đều dẫn đến chi phí vận chuyển đến các vùng chăn nuôi xa nhà máy cao. Theo ước tính, sản phẩm TĂCN khi vận chuyển lên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên có thể phát sinh cước phí vận tải 500 – 800 đồng/kg.

• Chi phí sản xuất, kinh doanh TĂCN cao, nhất là chi phí mặt bằng, kho bãi, vận tải, hệ thống phân phối qua nhiều đại lý trung gian, thanh kiểm tra… dẫn đến giá thành sản phẩm đến tay người chăn nuôi bị đội lên đáng kể.

• Có chênh lệch lớn về dây chuyền, công nghệ sản xuất, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm và thị trường giữa các công ty lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở gia công trong nước ngày càng yếu thế khi cạnh tranh và cũng phát sinh các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm TĂCN như: Lạm dụng kháng sinh, chất cấm, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, hết hạn hoặc cận hết hạn… dẫn đến giảm hiệu quả và gia tăng nguy cơ mất an toàn của TĂCN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *