Kon Tum: Tập trung phát triển chăn nuôi

Phát huy lợi thế diện tích đất đồi rừng, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó trọng tâm là phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh. Với những kết quả đạt được trong phát triển chăn nuôi thời gian qua đã tạo điều kiện cho nông dân từng bước tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đến hết tháng 6/2022, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh 264.961 con (đàn trâu 24.990 con, đàn bò 84.550 con, đàn heo 155.421 con); tổng đàn gia cầm các loại 1. 852.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 775,8ha. Trong đó, chăn nuôi bò thịt, tập trung phát triển ở tiểu vùng khí hậu núi thấp Sa Thầy và tiểu vùng khí hậu máng trũng Kon Tum, với hướng  bán thâm canh ở những nơi thuận lợi về bãi chăn thả, nguồn nước và hướng thâm canh ở các vùng hạn chế về bãi chăn thả nhưng có lợi thế về nguồn lao động và trình độ người lao động.  Đối với chăn nuôi trâu phát triển chủ yếu ở các vùng sinh thái phù hợp thuộc địa bàn các xã vùng Đông Trường Sơn (như ở Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei) theo hướng chăn nuôi tận dụng dưới tán rừng. Chăn nuôi heo và gia cầm phát triển đều khắp trên địa bàn tỉnh, ngoài chăn nuôi theo truyền thống, gần đây phát triển nhanh chăn nuôi heo hướng nạc, gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt theo hướng trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

nuôi dê lấy sữa

Nuôi dê sữa tại Măng Đen. Ảnh: H.N

Nhìn chung, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán hộ gia đình (chiếm trên 90%) với các phương thức khác nhau tùy thuộc vào quy mô và loại vật nuôi. Đây là hình thức chăn nuôi có từ lâu đời, ít đòi hỏi về nguồn vốn và kỹ thuật, năng suất thấp, sản phẩm hàng hóa và hiệu quả kinh tế không cao, tuy nhiên phù hợp với nhu cầu của hầu hết các hộ gia đình nông thôn. Trong đó, chăn nuôi heo trong các nông hộ chiếm phần lớn, khoảng 80-90% trong tổng đàn heo toàn tỉnh.

Cùng với đàn vật nuôi truyền thống, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được các trang trại chăn nuôi. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh có 139 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín (có hệ thống làm mát về mùa hè và sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn về chăn nuôi). Trong đó, có 101 trang trại chăn nuôi heo (9 trang trại quy mô lớn; 43 quy mô vừa; 49 quy mô nhỏ); 36 cơ sở chăn nuôi gia cầm (5 trang trại quy mô vừa, 31trang trại quy mô nhỏ); 1 trang trại chăn nuôi bò (quy mô vừa khoảng  120 con) và 1 trang trại chăn nuôi dê quy mô lớn tại huyện Kon Plông với trên 6.000 con.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng 33 chuỗi liên kết, trong đó có  21 chuỗi liên kết chăn nuôi heo (trong đó có 3 chuỗi được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh); 9 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm (trong đó có 1 chuỗi được chứng nhận VietGap); 2 chuỗi liên kết thức ăn; 1 chuỗi liên kết thủy sản (cá).

Đặc biệt, nhiều hộ gia đình, trang trại trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số mô hình chăn nuôi trang trại công nghiệp với việc sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm, có hệ thống máng ăn, nước uống tự động; đưa các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao vào sản xuất như giống heo siêu nạc, bò thịt chất lượng cao, giống gia cầm cao sản, bò sữa cao sản. Một số hộ đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm để làm thức ăn cho vật nuôi. Như trang trại dê sữa Măng Đen của Công ty Cổ phần Dược liệu và thực phẩm Măng Đen chăn nuôi dê theo mô hình khép kín, có hệ thống làm mát, thông gió, xử lý chất thải, hệ thống dây chuyền thức ăn, nước uống, các thiết bị vắt sữa hiện đại, khép kín, công nghệ của Đức.

nuôi heo sọc dưa

Phát triển chăn nuôi heo sọc dưa ở Đăk Hà. Ảnh: HN

Việc áp dụng phương thức chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học là giải pháp đưa các trang trại chăn nuôi nói chung, chăn nuôi heo nói riêng vượt qua những tác động, khó khăn trong thời gian dịch tả heo Châu Phi hoành hành trên toàn tỉnh. Trong tiến trình tái đàn heo sau dịch, mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn đang được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích, vận động người dân xây dựng, góp phần từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, rủi ro cao.

Mặc dù có nền tảng phát triển và được sự quan tâm lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân nhưng ngành chăn nuôi của Kon Tum vẫn chưa phải là ngành mũi nhọn có hiệu quả như kỳ vọng; sức đóng góp cho nền kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 7% GRDP của tỉnh. Hiệu quả nâng cao thu nhập và đời sống cho đại bộ phận nhân dân còn thấp; người dân vẫn chưa tin tưởng vào mô hình chăn nuôi tập trung. Trên thực tế, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến, thụ động với thị trường và nhu cầu tiêu dùng; các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi còn nhiều bất cập, mô hình chăn nuôi triển khai có hiệu quả song hầu hết chưa được nhân rộng.

Để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định 1241/QĐ-UBND, ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh); thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao, đưa những giống mới cho năng suất cao vào chăn nuôi; phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình.     

Hà Nam

Nguồn: Báo Kon Tum

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *