Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen 5 loài ong bản địa

(Người Chăn Nuôi) – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa ký ban hành Quyết định số 1240/QĐ-BNN-KHCN phân công Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì hướng dẫn và tổ chức tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cấp Bộ theo danh mục.

Theo Quyết định này, từ năm 2025 – 2027, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số nguồn gen ong bản địa, bao gồm: ong nội (Apis cerana cerana, Apis cerana indica), ong khoái (Apis dorsata), ong đá (Apis laboribosa), ong ruồi đỏ (Apis florea).

phát triển nguồn gen 5 loài ong bản địa

Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT cũng đặt ra 6 yêu cầu đối với kết quả nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen. Theo đó, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần có báo cáo đánh giá thành phần loài và phân bố các loài ong bản địa nói trên, bên cạnh đó cần tư liệu hóa đặc điểm hình thái, di truyền của 05 nguồn gen này. Mục tiêu bảo tồn ít nhất 50 đàn/ nguồn gen (ong khoái, ong đá, ong ruồi đỏ, ong nội); bảo tồn khoảng 50 đàn ong nội (Apis cerana cerana) với số lượng ít nhất là 3 cầu/ đàn, năng suất mật đạt tối thiểu 16 kg/đàn/năm; Bảo tồn 300 đàn ong lai với số lượng ít nhất là 4 cầu/đàn, năng suất mật tối thiểu 17 kg/đàn/năm.

 Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp quy trình kỹ thuật lưu giữ một số loài ong bản địa. Việc bảo tồn nguồn gen quý đối với các loài ong bản địa là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đây sẽ là nguyên liệu chọn lọc, nhân thuần các giống ong nội phù hợp.

Trước đó, ngày 2/4/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký Quyết định số 898/QĐ-BNN-CN phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của ngành ong, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm ong Việt Nam. Sản phẩm hàng hóa của ngành ong được sản xuất chủ yếu từ các cơ sở nuôi ong chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Đề án này, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ duy trì số lượng từ 1,3 – 1,5 triệu đàn ong được di chuyển theo nguồn hoa, nguồn mật, đạt năng suất mật bình quân cả nước trên 42 kg/đàn/năm đối với ong ngoại và trên 18 kg/đàn/năm đối với ong nội; tổng sản lượng mật ong ổn định 55 – 60 nghìn tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 80% và tiêu dùng nội địa khoảng 20%.

Để đạt được các mục tiêu đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động chọn tạo, nhân đủ nguồn ong giống có năng suất, chất lượng phù hợp chăn nuôi ong ở các vùng sinh thái. Điều tra, khảo sát về tính đa dạng sinh học và sản phẩm mật ong đặc thù của ong mật chưa thuần hóa. Điều tra, khảo sát cây thức ăn cho ong và sản xuất thức ăn bổ sung cho ong mật. Kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và nguồn gốc sản phẩm. Đổi mới sản xuất, thương mại trong ngành ong; Xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi ong; hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *