Kiểm soát chặt dịch bệnh trong chăn nuôi để bảo đảm sản xuất

(Người Chăn Nuôi) – Cục Thú y nhận định, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất cao. Theo đó, việc kiểm soát dịch bệnh trên động vật là việc then chốt để bảo vệ thành quả của người lao động. Đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung lương thực cho thị trường vào những tháng cuối năm.

Ngày 17/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chủ trì hội nghị. Ảnh: NNVN

Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, về cơ bản các loại dịch bệnh động vật được kiểm soát tốt, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, Dịch tả heo châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng. Tuy nhiên bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò và chủng mới của bệnh cúm gia cầm đã và đang lây lan trên phạm diện rộng. Bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 51 tỉnh, thành trên phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy số lượng lớn trâu, bò với gần 25.000 con.

Đối với Dịch tả heo châu Phi, tuy công tác an toàn sinh học đã được thực hiên tốt, nhưng vẫn còn rất nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ heo phải tiêu hủy tương đối lớn với số lượng gần gấp đôi năm 2020.

Đối với gia cầm, ngoài chủng cúm cũ, cũng đã xuất hiện chủng mới như cúm A/H5N6, A/H5N8 gây ảnh hưởng đến việc xử lý, tiêu hủy các ổ dịch, do vậy số lượng gia cầm tiêu hủy trên 400.000 con.

Cục Thú y nhận định, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất cao với nhiều lý do như: Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay rất lớn (hơn 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con heo, 10 triệu con trâu bò và diện tích nuôi thủy sản gia tăng). Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn. Các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường như Dịch tả heo châu Phi; Lây lan nhanh, rộng do các véc tơ truyền bệnh như viêm da nổi cục. Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh COVID-19, nhất là việc tổ chức tiêm các loại vaccine phòng bệnh bị hạn chế, thậm chí nhiều nơi không tiêm được. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thu động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số. Bên cạnh đó, thời tiết biến động bất lợi (mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung), tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhờ có sự chủ động, nhận định tình hình nên các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và trên thủy sản đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, số lượng đàn gia súc, gia cầm và quy mô thủy sản lớn, mật độ đông, đường biên giới kéo dài, quy mô chăn nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ…, do vậy ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng quan tâm. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn vốn, lưu thông, nguồn lao động, giá cước vận tải, giá vật tư đầu vào, ngành chăn nuôi, thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.

“Ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm. Chúng ta cần phải phấn đấu đạt trên 5 tỷ quả trứng, 1,7 triệu tấn thịt các loại, 2,9 triệu tấn thủy sản cả khai thác và nuôi trồng; Phấn đấu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thêm 12 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Do vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh tốt những tháng cuối năm, phấn đấu đạt những mục tiêu đề ra trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, thủy sản cũng như cây trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó không thể không nhắc đến công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn, giãn nợ, cơ chế chính sách để phục hồi sản xuất. Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho nông dân, người lao động làm trong các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Nam Hồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *