Giống tốt, khởi đầu tốt

(Người Chăn Nuôi) – Thời gian qua, nước ta đã khuyến khích đầu tư nghiên cứu phát triển con giống, nâng cao năng suất, chất lượng; Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. TS. Hoàng Tuấn Thành (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova đã có những chia sẻ về thuận lợi và khó khăn trong lĩnh vực sản xuất giống hiện nay.

TS. Hoàng Tuấn Thành vigovaNgành chăn nuôi Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn giống nhập khẩu, quan điểm của ông về vấn đề này?

Mặc dù ngành chăn nuôi có nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, nhưng ngành này đang có xu hướng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường ngoại cả về giống, thức ăn chăn nuôi, vaccine và thuốc thú y thể hiện qua số lượng và giá trị nhập khẩu tăng cao qua từng năm. Ví dụ, theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 2,68 triệu con gia cầm giống, đến năm 2020 đã tăng lên 3,87 triệu con, tốc độ tăng 24%/năm. Hơn 70% các giống gà ở Việt Nam là gà ngoại nhập và lai ngoại, các giống gà nội chiếm > 20% tổng đàn trên cả nước.

Các nước phát triển đã có công nghệ sản xuất giống vật nuôi lâu đời và rất phát triển với các trang thiết bị, công nghệ hiện đại và nguồn số liệu khổng lồ lưu trữ từ nhiều năm với quần thể đàn lớn, tạo nhiều dòng cao sản với các chỉ tiêu có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, con giống của họ vượt trội so với Việt Nam nên buộc chúng ta phải nhập khẩu. Đây là con đường nhanh nhất để nâng cao năng suất đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam. Tuy nhiên, cần thiết phải khảo sát, phục tráng và đánh giá lại nguồn gen giống bản địa của nước ta với các chỉ tiêu chất lượng khác biệt. Đồng thời, cũng cần tiến hành lai tạo để tạo con giống thích nghi với điều kiện nước ta, thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

 

Chất lượng giống vật nuôi của nước ta đã thay đổi như thế nào trong những năm qua, thưa ông?

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, công tác chọn tạo và sản xuất giống ở nước ta đã có hiệu quả lớn, đối tượng vật nuôi được cơ cấu lại, xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi heo, gà, bò thịt, bò sữa, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng chăn nuôi trong những năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có 42 giống vật nuôi được Bộ NN&PTNT công nhận. Làm thay đổi cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ giống gia cầm cao sản lên 40 – 50% (thay vì tỷ lệ 80 – 90% gia cầm nội trong cơ cấu giống trước đây). Năng suất một số vật nuôi chính được cải thiện rõ rệt. Đối với gà, tỷ lệ nuôi sống trước đây (thập niên 90) chỉ đạt > 60% nay đã tăng lên 90 – 95%. Sản lượng trứng/mái/năm tăng 25,4 – 53,8% (trước đây 70 – 80 quả đối với gà địa phương nay đã tăng lên 130 – 150 quả; 150 – 180 quả đối với gà lai nay tăng lên 250 – 280 quả); Giảm tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 15 – 30%. Tỷ lệ lòng đỏ trứng từ 25 – 30% nay tăng lên 32 – 34%.

Riêng Trung tâm VIGOVA đã xây dựng được hệ thống các giống gà lông màu, gà đặc sản đến vịt chuyên thịt, chuyên trứng, tạo con giống bố mẹ và thương phẩm có năng suất cao phục vụ sản xuất. Các giống gia cầm công nghiệp “siêu thịt” như vịt VSM6, vịt “siêu trứng” như TC… có năng suất thịt, trứng tăng cao, rút ngắn được thời gian nuôi, lại giảm tiêu tốn thức ăn so với trước và con giống thích ứng biến đổi khí hậu như vịt biển…

 

Theo ông, hiện nay, lĩnh vực sản xuất giống chăn nuôi của nước ta đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Dịch bệnh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… đang đặt ra cho ngành chăn nuôi gia cầm nhiều thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển, trong đó có sản xuất con giống. Chính quá trình hội nhập, các nhà chăn nuôi chạy đua nhập khẩu con giống, đây là thách thức cho nhà làm giống trong nước khi nguồn lực kinh tế đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế nên khó cạnh tranh với nước ngoài.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao và không có tính liên kết, trong khi đó công tác giống thì cần dữ liệu lớn nên khó thực hiện. Sản xuất con giống tại một số ít trại giống của Nhà nước thì nguồn kinh phí cấp ngày càng hạn hẹp nên hiện nay chủ yếu tập trung ở các tập đoàn lớn, công ty nước ngoài. 

gà giống

Nguồn lực kinh tế dành cho nghiên cứu và sản xuất giống chăn nuôi còn hạn chế – Ảnh: Vigova

 

Còn những thuận lợi thì sao, thưa ông?

Bên cạnh những khó khăn thì lĩnh vực sản xuất giống của nước ta cũng có vài thuận lợi như: Công nghệ cao ngày càng phát triển và ứng dụng sâu rộng trong hoạt động sản xuất giống, như ứng dụng di truyền phân tử, phương pháp chọn lọc bằng chỉ số giá trị giống thay vì chọn lọc kiểu hình đã cải thiện đáng kể năng suất con giống. Nhà nước đã và đang ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất con giống.

 

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục và tạo đột phá trong lĩnh vực sản xuất giống thời gian tới?

Liên kết giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân để tạo chuỗi sản xuất – tiêu thụ con giống. Trong quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước, đối mặt với hàng loạt những khó khăn, đòi hỏi các nghiên cứu phải gắn với sản xuất và ngược lại để tạo ra sản phẩm cuối cùng đưa vào cuộc sống, đồng thời lấy giá trị gia tăng của nó hỗ trợ trở lại cho nghiên cứu khoa học.

Không dừng ở việc nhập giống mới và nghiên cứu nuôi thích nghi các giống gia cầm nhập nội, các nhà khoa học cần tập trung chọn lọc, tạo các dòng gia cầm mới dựa trên các nguồn gen sẵn có, nhằm chủ động hơn về con giống và hạn chế việc nhập ngoại. Chú trọng việc nghiên cứu các giống/dòng vật nuôi mới phù hợp và thích ứng với các vùng sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> “Người chăn nuôi cần áp dụng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ghi chép cụ thể ngay từ ban đầu để có cơ sở dữ liệu tốt, hiệu quả trong công tác chọn giống và dễ dàng truy xuất. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, phần mềm quản lý giống…  và/hoặc liên kết với nhà khoa học, chuyên gia để hỗ trợ trong công tác chọn giống. Nếu chọn mua giống vật nuôi thì cần chọn cơ sở sản xuất giống uy tín”.            

TS. Hoàng Tuấn Thành

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova

 

Kim Tiến

 (Thực hiện)

 
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *