Bình Dương: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

(Người Chăn Nuôi) – Là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển mạnh, phần lớn người dân tại Bình Dương đều có tư duy áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Nhiều trang trại mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất và gắn liền với bảo vệ môi trường

Chú trọng đến môi trường

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ Phú Giáo, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo là một trong những HTX chăn nuôi phát triển mạnh tại tỉnh Bình Dương nhiều năm trở lại đây. Thành công có được chính là nhờ HTX đã luôn xác định cần hoàn thiện trong quá trình sản xuất là chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Theo đó, khu vực chăn nuôi của HTX được đặt xa khu dân cư và thực hiện sản xuất theo mô hình khép kín. Các thành viên mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng mối liên kết với doanh nghiệp. Với quy mô 12.000 heo nái, 20.000 heo thịt, khi làm chuồng, các thành viên tính toán ngay đến việc lắp đặt hệ thống hút mùi cho từng dãy chuồng, đồng thời xây dựng các hầm biogas, bể lắng và ao để lọc chất thải. Việc đầu tư hầm biogas chỉ phù hợp khi đàn heo còn nhỏ, ăn ít và thải ít chất thải. Khi heo lớn, lượng chất thải cũng tăng theo nên hầm biogas không thể xử lý kịp. Lúc này, bể lắng và ao lọc sẽ tham gia quá trình làm sạch môi trường. Chất thải chăn nuôi được xả ra bể lắng và ao lọc, nguồn phân khô sẽ được giữ lại, toàn bộ nước thải sẽ được xả xuống hầm biogas nhằm hạn chế quá tải công trình khí sinh học. Nước trong hầm biogas sẽ được xả xuống một bể lắng khác có hệ thống lọc bằng sỏi, giúp nguồn nước thải ra ngoài môi trường không còn mùi hôi thối, nước trong và rất tốt cho việc tưới cây. Phần chất thải khô có thể tận dụng ủ làm phân hữu cơ, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị kinh tế.

chăn nuôi heo bình dương

Chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương – Ảnh: ST

Đại diện HTX cho biết, ngoài đầu tư hệ thống xử lý chất thải, HTX còn thực hiện các khâu tiêu độc khử trùng để bảo đảm khu vực nuôi sạch sẽ. Các thành viên tổ chức rải vôi bột với lượng phù hợp xung quanh chuồng trại, lối ra vào để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra. Việc tổ chức vệ sinh chuồng trại được thực hiện đều đặn, hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào, nếu có vào thì phải thực hiện đúng theo quy định là thay đồ, phun thuốc sát trùng lên các dụng cụ, phương tiện. Bên cạnh đó, HTX chú trọng công tác chăm sóc, tăng cường sức đề kháng của heo bằng việc bổ sung thêm Vitamin C và các chất điện giải vào thức ăn, tăng chất dinh dưỡng; Duy trì chặt chẽ việc tiêm phòng tất cả các mũi vaccine theo quy định.

Tại huyện Phú Giáo còn có mô hình chăn nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh ở xã Tân Hiệp rất độc đáo, mới lạ, có nhiều ưu điểm vượt bậc so với chăn nuôi trang trại truyền thống. Theo đó, các dãy nhà bạt nuôi vịt được dọn dẹp tươm tất, không có mùi hôi thối. Bên trong mỗi nhà bạt được làm sàn lưới mắt cáo bằng nhựa, cách mặt đất khoảng chừng 50 cm để vịt ở trên sàn cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Trên trần nhà bạt được thiết kế xốp cách nhiệt, hai bên hông được gắn máy quạt phun nước để tạo không khí mát mẻ, luôn luôn bảo đảm nhiệt độ dao động 20 – 220C.

 

Hướng đến bền vững

Trong giai đoạn năm 2016 – 2020, hàng năm tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng trung bình khoảng 9%, đến nay, tổng đàn gia súc trên 867.000 con, tổng đàn gia cầm trên 13 triệu con. Toàn tỉnh đang phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Hệ thống trại Chăn nuôi Vĩnh Tân, Công ty CP 3F Việt… Cùng  3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn (Công ty CP Anova Agri Bình Dương, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, Công ty TNHH Ba Huân), với tổng diện tích đất được giao là 567,91 ha và quy mô tổng đàn khoảng 1,3 triệu con gà, trên 850 con bò sữa. Hầu hết các trang trại chăn nuôi công nghệ cao đều được xây dựng theo mô hình chuồng kín, trại lạnh có điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt thông gió và áp dụng theo nguyên tắc “cùng vào – cùng ra” để đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, các trang trại áp dụng tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, hệ thống tiêu độc khử trùng tự động… nhằm góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi và đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương cho biết, để phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người chăn nuôi trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, Từng bước nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các vùng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

>> Để đảm bảo môi trường; HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo đó, những khu vực không được phép chăn nuôi là các khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; Trừ nuôi động vật với mục đích làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *