Người Chăn Nuôi số 64

(Người Chăn Nuôi) – Xuất bản tháng 6/2020.

Thưa quý vị bạn đọc!

Không bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều do đại dịch COVID-19 như các ngành khác, vậy nhưng, những tác động gián tiếp của dịch bệnh cũng khiến cho chăn nuôi Việt Nam gặp biến động.

Sau cuộc họp đầu tháng 4 giữa Bộ NN&PTNT với 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn trên cả nước, ngỡ tưởng giá thịt heo sẽ giảm dần và lộ trình giảm mạnh vào đầu quý III, thế nhưng, đến gần cuối quý II, giá heo hơi tiếp tục neo ở mức cao khiến giá thịt heo trên thị trường vẫn ở ngưỡng ngất ngưởng. Để làm giảm sức nóng của giá thịt heo, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương chủ trương tăng cường nhập khẩu thịt heo ngoại, tuy nhiên, đến nay vẫn không mấy người tiêu dùng được thưởng thức miếng thịt heo nhập khẩu dù được quảng cáo là giá rẻ, chất lượng tốt.

Một tình trạng nữa là hiện nay người chăn nuôi heo rất khó thực hiện tái đàn, vì giá con giống cao và vô cùng khan hiếm. Điều này đã khiến cho việc đưa đàn heo nuôi trên cả nước về gần với mức trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tấn công dường như không thành công. Để bù đắp vào số lượng heo con thiếu hụt so với nhu cầu của người chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã quyết định cho nhập heo nái về trong nước; đến nay đã có hàng trăm con heo nái được nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Tuy nhiên, kết quả vẫn còn phải đợi thêm thời gian nữa.

Trước tình hình căng thẳng về con giống, đề án phát triển giống để tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa được phê duyệt mới đây được trông đợi sẽ có những đột phá cho các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đề án này là cơ sở để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường hiện nay.

Thời gian gần đây, trước tình trạng biến động mạnh của thịt heo, người tiêu dùng trong nước đã chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm khác như gia cầm, hải sản…; đẩy giá bán của các mặt hàng này tăng lên khá nhiều. Một bước thay đổi cơ bản để cứu cho người chăn nuôi gia cầm khỏi thảm cảnh phá sản sau thời gian dài giá thịt và trứng gia cầm xuống đáy. Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng nên sự thay đổi này kéo dài được bao lâu vẫn rất khó đoán định.

Đây là những nội dung chính của Người Chăn nuôi phát hành tháng 6/2020. Với những bài viết phân tích, ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và người chăn nuôi, hy vọng độc giả sẽ có thêm những góc nhìn sâu về ngành chăn nuôi Việt Nam. Mời quý vị đón đọc và góp ý!

Trân trọng!        

                Ban Biên Tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *