Cấp thiết xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng chính là “visa” cho sản phẩm chăn nuôi mở rộng thị trường tiêu thụ.

Điều kiện tiên quyết xuất khẩu

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Do đó hiện nay, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam mới dừng ở con số rất khiêm tốn.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ năm 2018, Cục Thú y đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN&PTNT ký thỏa thuận hợp tác với OIE. Trên cơ sở đó, OIE hàng năm cử chuyên gia kỹ thuật sang phối hợp, giúp đỡ cho Việt Nam tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, Cục Thú y cũng tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phổ biến cho các địa phương, doanh nghiệp nắm bắt yêu cầu của các nước cũng như quy định chung của OIE để tổ chức xây dựng các chuỗi, sản xuất sản phẩm chăn nuôi đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Trong năm qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến tháng 10/2021, cả nước đã xây dựng thành công hơn 2.300 vùng, cơ sở (bao gồm gần 1.000 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm và hơn 1.100 cơ sở, vùng chăn nuôi heo) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam nhưng vẫn chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Hiện nay, Việt Nam chưa phải là quốc gia an toàn dịch bệnh mà đang trong quá trình phấn đấu xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.

chăn nuôi an toàn OIE

Việt Nam hiện chưa có vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE – Ảnh: Istock

 

Những rào cản lớn

Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh trên vật nuôi tiếp tục có những diễn biến phức tạp mà còn để hướng tới một nền chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, theo các địa phương, vướng mắc lớn nhất trong xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao nên không bảo đảm được quy trình khép kín để ngăn ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, chi phí thực hiện xét nghiệm và hoàn thiện các thủ tục để được công nhận vùng an toàn dịch bệnh là rất lớn, lên tới 2 – 3 tỷ đồng. Cùng đó, không ít người chăn nuôi thiếu ý thức tuân thủ các quy trình vệ sinh thú y, môi trường. Còn đối với các trang trại có quy mô lớn thì vẫn nằm lẫn hoặc gần khu dân cư, không bảo đảm quy định về cách ly, dễ lây lan dịch bệnh… Đây là những “rào cản” cho việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2020 – 2030, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi đạt tiêu chuẩn là vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều cơ sở, vùng chăn nuôi được OIE công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, yếu tố quan trọng nhất là phải từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Thay vào đó là chăn nuôi theo hướng tập trung có khả năng bảo đảm được các quy trình kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. 

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành chăn nuôi cần hướng đến sản xuất những sản phẩm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh. Cụ thể, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó, phải có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tại những vùng an toàn dịch bệnh.

Nguyễn Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *