Người Chăn Nuôi số 63

(Người Chăn Nuôi) – Xuất bản tháng 5/2020.

Thưa quý vị bạn đọc!

Có thể nói, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đang vướng nhiều vấn đề rất nan giản và tồn tại những nghịch lý lớn.

Trước tiên, đó là câu chuyện của ngành heo. Hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) tại nhiều địa phương đã được kiểm soát, người dân đang nóng lòng tái đàn heo, thế nhưng, điều đáng nói là những hộ nuôi nhỏ (thường dưới 500 con) rất khó để tìm mua con giống. Bởi sau sức tàn phá của ASF, đàn heo nái đã bị giảm đi rất nhiều, đến nay chỉ còn lại ở trong những trang trại lớn hay doanh nghiệp chăn nuôi. Vậy nhưng, những đơn vị này lại không sẵn sang bán heo giống ra bên ngoài với lý do để giữ lại nuôi, dù giá heo giống đẹp đã ở mức 2,5 – 2,7 triệu đồng/con (khoảng 7 – 10 kg/con). Không có heo tái đàn đông đảo, số lượng heo thương phẩm không dồi dào nên giá heo hơi trên thị trường không giảm như kỳ vọng. Do vậy, tuy đã có nhiều ý kiến từ các cấp, ngành, thế nhưng, giá thịt heo vẫn còn rất cao. Để bù đắp số lượng thiếu hụt thịt heo trên thị trường, nước ta đã mở cửa cho thịt heo ngoại vào, nhưng số lượng thịt heo nhập khẩu chưa đủ định mức do trở ngại từ dịch COVID-19. Vậy nên, người tiêu dùng vẫn đương nhiên phải mua thịt heo giá cao.

Trái ngược lại với sự thiếu hụt của đàn heo, số lượng đàn gà trên cả nước hiện đang rất lớn. Theo ước tính, tổng đàn gia cầm trên cả nước tính đến nay khoảng 5 triệu con, vượt xa so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hệ quả tất yếu của sự “dự đoán” ngành gia cầm phát triển sẽ thế chân cho thị phần thịt heo thiếu hụt trên thị trường sau “bão” ASF. Thế nhưng, với xu hướng tiêu dùng chung, thịt gia cầm hay các sản phẩm thịt khác chỉ có thể giúp “đổi hương vị” bữa ăn của người dân chứ không thay thế được. Và để thay đổi điều này không thể chớp nhoáng trong một vài tháng. Một dự báo thiếu chuẩn cộng với sự nóng vội của người chăn nuôi và sự cố của COVID-19 đã khiến cho ngành gia cầm rơi thảm cảnh chờ phá sản.

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội đang điêu đứng, lỗ nặng khi các đàn gà loại thải với hàng triệu con không bán được, có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang đi đến bờ vực phá sản.

Làm sao để thay đổi điều này và giải pháp nào cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới? Nếu có được lời giải cho câu hỏi này, ngành chăn nuôi sẽ tháo gỡ được những nút thắt.

Những nội dung này sẽ có trên Đặc san Người Chăn nuôi số tháng 5/2020. Trong đó, chúng tôi còn đăng tải nhiều ý kiến phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, đồng thời là những dự báo thị trường của đại diện doanh nghiệp thời gian tới. Thêm một ý kiến sẽ có được một giải pháp. Đó cũng là mục đích của chúng tôi khi thực hiện nội dung ấn phẩm này. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý vị.

Trân trọng!        

                Ban biên tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *