Sớm xây dựng thương hiệu mật ong Quang Sơn

Từ chỗ chỉ được nuôi để phục vụ nhu cầu của gia đình, đến nay, con ong đã đem lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, những khó khăn gặp phải trong khâu tiêu thụ một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc sớm xây dựng thương hiệu.

Nghề nuôi ong mật ở Quang Sơn đã có từ lâu, nhưng trước đây, số hộ tham gia nuôi chưa nhiều, trung bình mỗi hộ chỉ nuôi vài thùng để lấy mật sử dụng trong gia đình cũng như tạo cảnh quan thiên nhiên.

Sau này, một số hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô đàn, phát triển kinh tế từ con ong. Qua thời gian, từ chỗ chỉ đóng vai trò như một nghề phụ, nghề nuôi ong mật hiện đã trở thành nghề chính, thậm chí, làm giàu cho nhiều hộ gia đình nơi đây.

Để hiểu hơn về hiệu quả của nghề nuôi ong, chúng tôi đến gia đình ông Trần Quốc Tuấn – hộ nuôi ong lớn nhất ở Quang Sơn hiện nay.

ong mật quang sơn
Nhờ tận dụng được môi trường thiên nhiên, diện tích cây ăn quả nhiều, nguồn thức ăn phong phú gia đình ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ba Trung, xã Quang Sơn đã mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật, giúp thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: Nguyễn Lượng

Được biết, ông Tuấn bước vào nghề nuôi ong với quy mô ban đầu chỉ vỏn vẹn 10 đàn. Sau thành công của vụ mật đầu tiên, ông Tuấn bắt đầu nhân giống, mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ.

Đến nay, gia đình ông sở hữu gần 300 đàn ong; trung bình mỗi năm sản xuất từ 7 -10 tấn mật và xuất bán hàng trăm đàn ong giống cho các hộ nuôi ong mật ở tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí có những năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm mật ong, ong giống, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, trong những năm gần đây, ông Tuấn còn tìm tòi học hỏi, đầu tư máy móc, phát triển thêm một số sản phẩm: Sữa ong chúa, phấn hoa, rượu chế biến từ mật ong…

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của nghề, ông Vũ Văn Các, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn khẳng định: "Nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế tốt, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là lao động trung niên từ 50 -60 tuổi".

Không chỉ riêng gia đình ông Tuấn, trên địa bàn xã hiện đã có khoảng gần 40 hộ làm nghề nuôi ong mật với quy mô thấp nhất từ 10 -15 đàn/hộ. Đem lại thu nhập tốt, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tuy nhiên, nghề nuôi ong của Quang Sơn đang đứng trước những khó khăn nhất định, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một người nuôi ong ở thôn Sơn Kịch chia sẻ: "Dịch bệnh bùng phát khiến việc đưa ong đi lấy mật ở các tỉnh thành khác bị hạn chế, dẫn tới sản lượng mật sụt giảm.

Mặt khác, mật ong Quang Sơn hiện vẫn chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu là bán lẻ hoặc xuất buôn cho các cửa hàng, thương lái. Chính vì vậy mà việc tiêu thụ khá bấp bênh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, giá mật ong cũng giảm đáng kể. Nếu cứ tình hình này, trong thời gian tới, gia đình tôi có lẽ sẽ phải giảm đàn".

Chung khó khăn với gia đình ông Sơn, ông Tuấn cho hay: “Hiện nay, việc tiêu thụ chậm, bị thương lái ép giá. Vì không muốn bán với giá thấp nên gia đình tôi đang tồn 5 tấn mật ong”. Để giải quyết vấn đề hàng tồn, ông Tuấn dành một phần mật ong chuyển sang nấu rượu, song sản lượng tiêu thụ không được nhiều.

Trước khó khăn do dịch bệnh đưa lại, một số hộ chăn nuôi trong xã cũng đã đẩy mạnh việc tiêu thụ trực tuyến đối với mật ong và các sản phẩm từ ong.

Tuy nhiên, do chưa có nhãn hiệu, nhãn mác cũng như những chứng nhận cần thiết về chất lượng, nên việc tiêu thụ mới chỉ dừng lại ở việc giao bán trực tuyến qua mạng Facebook, Zalo cá nhân và chủ yếu bán cho khách quen.

Việc đưa mật ong và các sản phẩm từ ong lên sàn thương mại điện tử – công cụ hỗ trợ đắc lực cho tiêu thụ nông sản mùa dịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu.

Hiện nay, sản phẩm mật ong Quang Sơn đã được lựa chọn để hỗ trợ phát triển theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đây là cơ hội để mật ong Quang Sơn khẳng định được chất lượng của mình trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP.

Từ đó góp phần tạo những bước đi vững chắc cho người nuôi ong ở địa phương trên chặng đường xây dựng phát triển thương hiệu, giúp các sản phẩm từ ong của Quang Sơn được biết đến rộng rãi và đa dạng hóa được các kênh tiêu thụ và có được thị trường ổn định.

Nguyễn Hường

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *