Quảng Trị: Nghịch lý giá thịt lợn

Một nghịch lý đang xảy ra đối với giá thịt lợn hiện nay trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Quảng Trị đó là trong khi giá thịt lợn hơi đã xuống thấp nhưng giá thịt lợn bán ra tại các chợ và siêu thị lại giảm một cách “nhỏ giọt” khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Giá thịt lợn hơi giảm sâu nhưng người dân vẫn phải mua thịt lợn giá cao

Hiện giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh được thu mua trong khoảng 61 – 69 ngàn đồng/ kg. So với cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn hơi giảm 30 – 32 ngàn đồng/kg. Tuy giá thịt lợn hơi liên tục giảm và đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua, song giá thịt lợn tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống vẫn còn cao. Theo chị Lê Thị Phụ, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, nếu như năm ngoái, có thời điểm thương lái đến tận trang trại của gia đình chị để thu mua lợn hơi với giá từ 90 – 93 ngàn đồng/kg thì nay giá đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn trên dưới 65 ngàn đồng/ kg. Giá thịt lợn hơi giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến gia đình chị Phụ cũng như nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc tái đàn, chăm sóc và phát triển đàn vật nuôi.

Giá thịt lợn hơi giảm sâu nhưng người dân vẫn phải mua thịt lợn giá cao

Qua khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Đông Hà, giá thịt lợn đang ở mức 110 – 150 ngàn đồng/kg. Cụ thể giá thịt lợn mông, vai là 110 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ 140 ngàn đồng/kg, sườn có giá đắt nhất là 150 ngàn đồng/kg. Còn giá thịt lợn đang bán tại các chuỗi siêu thị so với thời điểm giá lợn hơi lập đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tại các siêu thị không đáng kể. Thậm chí, một số loại thịt không có sự biến động nhiều về giá cả. Bà Hoàng Thị Phượng, tiểu thương bán thịt tại chợ Đông Hà chia sẻ: “Giá thịt lợn có giảm nhưng giảm chưa nhiều, giá đi nhập ở các lò mổ vẫn cao, nên vẫn phải bán giá cao”. Cũng theo bà Phượng, để đến tay người tiêu dùng, thịt lợn phải qua ít nhất 6 khâu trung gian, từ người nuôi, thương lái, người vận chuyển, lò mổ, tiểu thương nhập hàng mới đến tay người mua, mỗi khâu đội lên trung bình khoảng 8 – 10 ngàn đồng/kg. “Ít nhất phải tăng 50 – 60 ngàn đồng/kg từ giá lợn hơi, ngoài ra giá bán còn tuỳ thuộc mức giá của tiểu thương. Người nào bán đắt lãi nhiều, người nào bán rẻ lãi ít”, bà Phượng cho biết.

Chị Trần Thị Huề, ở Khu phố 1, Phường 5, thành phố Đông Hà bán cơm bình dân đã gần 15 năm nay. Bình quân mỗi tháng, quán cơm của gia đình chị tiêu thụ trên 2 tạ thịt lợn vì đây là loại thịt dễ kết hợp với các nguyên liệu khác để chế biến được nhiều món ăn và được đông đảo khách hàng yêu thích, lựa chọn. Trước nghịch lý giá thịt lợn như hiện nay, chị Huề cũng không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. “Năm 2020, vì dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp nên giá thịt lợn hơi tăng vọt, kéo theo giá thịt lợn bán ra trên thị trường tăng cao thì tôi có thể hiểu và chấp nhận được. Nhưng hiện nay, theo tôi được biết thì giá lợn hơi đã giảm sâu, tỉ lệ tái đàn lợn cũng khá cao nhưng không hiểu vì sao giá thịt lợn bán ra ở các chợ vẫn không “hạ nhiệt” nhiều. Cụ thể, giá thịt lợn hiện nay tôi mua ở các chợ chỉ giảm từ 7 – 10 ngàn đồng/ kg so với cùng thời điểm này năm ngoái, khi dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, theo tôi như thế là bất hợp lý. Mong các cơ quan chức năng có giải pháp để ổn định thị trường thịt lợn, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc cân đối chi tiêu cũng như buôn bán”.

 

Khâu trung gian thao túng giá thịt lợn

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đào Văn An khẳng định, nguyên nhân giá bán thịt lợn vẫn đang ở mức cao không phải là do thiếu thịt lợn mà là do quá trình phân phối thịt lợn từ “trang trại đến bàn ăn” đang có quá nhiều khâu trung gian. Với nghịch lý giá như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng đang thiệt thòi khi phải mua thịt lợn với mức giá cao. Ông An dẫn chứng, so với cùng kỳ năm 2020, hiện tại tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm hơn 20.000 con. Đó là chưa kể đến số lợn thịt của hơn 20 trang trại nuôi gia công theo hướng liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi có quy mô từ 800 – 3.000 con. Sản lượng thịt hơi giết mổ cũng ổn định với mức từ 3.500 – 4.000 tấn/tháng, không những đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp cho tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Nguyên nhân tổng đàn lợn và sản lượng thịt hơi tăng nhanh là do từ cuối năm 2020 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát nên người chăn nuôi tích cực tái đàn. Bên cạnh đó, nếu như trước đây lợn thịt chỉ nuôi đến trọng lượng 60 – 65 kg/con thì hiện nay phải đạt từ 90 – 100 kg/con mới xuất bán. Theo ông An, thời gian tới, dự báo giá lợn hơi không có nhiều biến động do dịch tả lợn Châu Phi đang được khống chế tốt, tổng đàn lợn đang tăng nhanh, dự kiến đạt 170.000 con vào cuối năm nay…

Theo ông Nguyễn Đình Trâm, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, do qua nhiều khâu trung gian, chỉ cần mỗi khâu đẩy giá lên từ vài ngàn đến hàng chục ngàn đồng/kg thì khi đến tay người tiêu dùng giá thịt lợn đã bị đẩy lên rất cao. Phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán tới tay người tiêu dùng đang vào túi bộ phận trung gian là các thương lái, tiểu thương. Tuy nhiên, đối với mặt hàng thịt lợn, giá tăng hay giảm là do thị trường quyết định vì đây không phải là mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý điều chỉnh giá. Chỉ vào những thời điểm giá thịt lợn tăng cao đột biến như vào dịp tết Nguyên đán hoặc khi có thiên tai, dịch bệnh thì nhà nước mới can thiệp thông qua việc bán hàng bình ổn giá.

Cũng theo ông Trâm, một nguyên nhân nữa là do thói quen của người dân chỉ ăn thịt tươi, không thích thịt đông lạnh nên các doanh nghiệp nhập khẩu không mặn mà với mặt hàng này. Do vậy, để kéo giảm giá thịt lợn, trước mắt Sở Công thương sẽ tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp trong việc tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn, tập trung vào quy mô gia trại, trang trại lớn để tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu lợn đảm bảo đúng số lượng, an toàn dịch tễ. Về lâu dài, cần tăng cường tuyên truyền việc sử dụng thịt lợn đông lạnh nhằm vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa ổn định thị trường; hạn chế việc găm hàng tăng giá. Về phía ngành Nông nghiệp cần chủ động đảm bảo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và đàn lợn nói riêng. Xây dựng các lò mổ tập trung, công suất lớn nhằm góp phần kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh cũng như kiểm soát về giá. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã… xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ và tiêu thụ. Qua đó chủ động được nguồn hàng, giảm chi phí và tiết giảm được các khâu trung gian.

Hà Trang – Lê An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *