Quảng Trị: Chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao

Hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh Quảng Trị có hơn 55.650 con, tỉ lệ bò lai Zebu chiếm trên 60% tổng đàn. Để đạt được kết quả trên, trong nhiều năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt.

Thực hiện Nghị quyết số 03/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi, tạo ra sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2020, có định hướng đến năm 2025, trong đó bò là đối tượng con nuôi được quan tâm hỗ trợ đầu tư, đặc biệt ưu tiên phát triển đàn bò lai, thông qua chương trình cải tạo đàn bò hằng năm, tỉ lệ phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt 100%.

nuôi bò nhốt chuồng

Chăn nuôi bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả cao ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ – Ảnh: PV

Năm 2021, chương trình cải tạo đàn bò đã phối thành công 10.200 con bò (trong đó có hơn 5.900 con sử dụng tinh bò Zebu; 4.300 con sử dụng tinh bò chuyên thịt). Nhờ thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò sử dụng tinh bò Zebu, nên tỉ lệ đàn bò lai tăng lên từng năm, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao. Bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ 20 – 25 kg. Bê khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường sống, sinh trưởng nhanh, nuôi đến 12 tháng tuổi đạt từ 230 – 250 kg với giá bán khoảng 21 – 25 triệu đồng/con, cao hơn bò vàng địa phương từ 10 – 12 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần.

Như vậy, mỗi năm có hơn 5.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò, ước tính nguồn thu hằng năm từ chương trình cải tạo đàn bò hơn 115 tỉ đồng. Thông qua chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt cho thấy nhu cầu chăn nuôi bò chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ 25 – 31 kg/ con, ưu thế lai vượt trội, phát triển nhanh, trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 270 – 300 kg, với giá bán từ 25 – 30 triệu đồng/con, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bò lai Zebu. Như vậy, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, ước tính nguồn thu khoảng 83 tỉ đồng/năm.

Gia đình bà Trần Thị Diễn, ở thôn Nam Hùng, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh gắn bó với nghề chăn nuôi bò nhiều năm nay. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên gia đình bà thực hiện phối giống cho bò mình nuôi bằng tinh bò 3B – là một trong các giống bò nhóm chuyên thịt chất lượng cao. Bê lai F1 được sinh ra trên nền bò cái lai Zebu với tinh bò 3B nhập ngoại. “Trước đây gia đình tôi nuôi bò cỏ, bò đẻ nhiều nhưng con bò tầm vóc nhỏ, sau đó chuyển sang nuôi bò lai, rồi nghe bò 3B nhanh lớn thì chuyển sang thụ tinh giống bò 3B. Đây là giống bò thịt dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, cơ bắp phát triển, nổi rõ nhất là phần cơ mông, ngoại hình đẹp. Bê sinh ra sau 7 tháng nuôi thì trọng lượng của nó bằng bò lai sind 1 năm”.

Theo ông Nguyễn Hoàng, dẫn tinh viên xã Phong Bình, huyện Gio Linh, bò chuyên thịt được nhiều người chăn nuôi ưa chuộng bởi tầm vóc to lớn, khả năng tăng trưởng nhanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bò sinh ra từ tinh bò chuyên thịt được các thương lái tìm mua vì đây là giống bò có tỉ lệ thịt xẻ cao, xấp xỉ 70%, thịt thơm ngon nên đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Với sự quan tâm hỗ trợ từ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò, trong đó cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt tạo ra con lai hướng thịt có năng suất và chất lượng cao. Từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển chăn nuôi bò thịt mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị của sản phẩm chăn nuôi cũng như khai thác tốt tiềm năng sẵn có tại các địa phương.

Ông Trần Đình Quốc Lĩnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh chia sẻ: “Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND huyện Gio Linh, cùng với sự nỗ lực của người chăn nuôi, chương trình Zebu hóa đàn bò trên địa bàn huyện đã thu được một số kết quả tích cực, hiện tỉ lệ Zebu hóa đàn bò đạt 61%. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn toàn huyện để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về những lợi ích mà chương trình Zebu hóa đàn bò đem lại. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện hỗ trợ xây dựng chương trình này để nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi”.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, năm 2022 tổng đàn bò của tỉnh đạt 60.000 con, trong đó tỉ lệ bò lai đạt trên 63%. Trung tâm Khuyến nông tỉnh dự kiến số lượng bò cái phối giống là 10.000 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng. Trong đó, sử dụng tinh nhóm bò Zebu là 3.500 con, tinh ngoại nhập là 6.500 con. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho rằng, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thì việc cải tạo chất lượng con giống thông qua chương trình Zebu hóa đàn bò theo hướng chuyên thịt là hết sức cần thiết.

Từ nguồn kinh phí của tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức triển khai chương trình cải tạo đàn bò bằng cách sử dụng tinh của các giống bò chuyên thịt nhập ngoại lai tạo trên nền bò cái lai Zebu chọn lọc, có tỉ lệ lai đạt từ 50% trở lên nhằm tạo ra con F1 có giá trị kinh tế cao, trọng lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, trung tâm cũng đã chú trọng hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi bò thâm canh cho các hộ để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên thực hiện tốt hoạt động thụ tinh nhân tạo cho đàn bò trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng dẫn, tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thâm canh cũng như các biện pháp phòng trị bệnh cho bò. Từ đó nâng cao tỉ trọng, giá trị chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả.

Phan Việt Toàn

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *