Quảng Trạch (Quảng Bình): Nuôi gà rừng hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thực hiện chủ trương đổi mới cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà rừng thuần chủng, bước đầu hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng lợi thế vườn đồi rộng rãi, với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm và được sự đồng hành, hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Trạch, sau nhiều năm tìm hiểu, đầu năm 2023, gia đình bà Liên đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua giống gà rừng tai trắng thuần chủng về nuôi.

nuôi gà rừng

Mô hình nuôi gà rừng của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở Quảng Hợp hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Liên cho biết, với 50 con gà rừng giống ban đầu, nhờ tỉ mỉ trong các khâu chăm sóc, thực hiện đúng theo các bước hướng dẫn của Trung DVNN huyện, đến nay đàn gà rừng của gia đình đã cơ bản thuần hóa, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thời tiết ở địa phương mình. Từ 50 con gà giống ban đầu, đến nay đàn gà rừng của gia đình bà Liên đã phát triển lên hơn 100 con.

Gà rừng là giống gà hoang, sống chủ yếu ở khu vực miền núi. Gà rừng có cân nặng từ 1 – 1,5 kg với cánh của chúng dài khoảng 20 – 25 cm. Về hình dáng bên ngoài, gà rừng là loài có mã đẹp, có bộ lông màu đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai màu trắng rất bắt mắt.

gà rừng

Gà rừng được nuôi làm cảnh, hiện có giá lên đến hàng triệu đồng/con.

Chính vì vậy, gà rừng không chỉ được nuôi để lấy thịt, mà nhiều người còn chọn nuôi gà rừng để làm cảnh. Giá trị kinh tế của gà rừng vì thế rất cao, nhiều con gà rừng đẹp được bán với giá lên đến hàng triệu đồng/con.

Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành cho biết, mô hình nuôi gà rừng của gia đình bà Nguyễn Thị Liên là một mô hình mới, lạ trên địa bàn huyện. Tuy nhiên đến thời điểm này, có thể đánh giá mô hình đã bước đầu thành công, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Trung tâm DVNN huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

L.An

Nguồn: Báo Quảng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *