Nâng cao năng lực sản xuất giống

(Người Chăn Nuôi) – Công tác sản xuất, bảo tồn giống vật nuôi năm 2020 đã có những bước phát triển mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu, mà còn chiếm được niềm tin của người chăn nuôi trên khắp cả nước.

Chọn tạo nhiều giống mới

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch VIPA, những năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng thành công nhiều chương trình phần mềm và phương pháp chọn giống hiện đại như REML, BLUP, PIGBLUP, VCE, PEST, ASREML, WOMBAT, ZPLAN+… từ đó đã chọn tạo được nhiều dòng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Cùng với đó, các kỹ thuật di truyền phân tử đang dần được áp dụng rộng rãi vào công tác chọn giống heo, bò. Việc áp dụng kỹ thuật di truyền phân tử phân lập và mã hóa các gen liên quan đến các tính trạng thịt, sữa ở Việt Nam là cần thiết và đã được triển khai nghiên cứu bởi các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi), Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bước đầu các nhà khoa học đã xác định được ảnh hưởng của các gen Halothane, RN, MC4, HFABF đến tính trạng năng suất thịt heo; các gen liên quan đến năng suất sinh sản như RNF4, RBP4 và IGF2 ở heo; các gen liên quan đến năng suất và chất lượng sữa bò như PIT-1E2, gen GH liên quan đến sinh trưởng ở bò thịt…

Cùng đó, công tác bảo tồn giống đặc sản Việt đã đạt được những thành công bước đầu. Hiện, các giống gà bản địa đặc sản của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cũng rất phong phú. Hiện có trên 50 giống vật nuôi bản địa: heo rừng lai, heo Mán, heo Mường Khương, heo cỏ,… được giữ giống ở Viện Chăn nuôi.  Mặt khác, Viện đã phối hợp với các đơn vị bảo tồn được 44 giống vật nuôi có gen quý hiếm ở Việt Nam. Trong đó, một số giống đã được phục hồi và trở thành hàng hóa như: heo Móng Cái, heo Mường Khương, heo Táp Ná (Cao Bằng), ngựa Bạch, gà H’Mông, gà Tè (lùn), vịt Bầu Bến (Hòa Bình), vịt Kỳ Lừa, vịt đốm (Lạng Sơn).  Tuy nhiên, Viện mới chỉ nuôi giữ, phát triển được 9 giống gà, vịt, ngan, ngỗng tại Viện, còn lại được nuôi thả trong các hộ dân.

Đặc biệt, Viện Chăn nuôi cũng đang bảo tồn 24 giống vật nuôi, trong đó có 7 giống gà quý: gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn (Quảng Bình), gà kiến (Bình Định), gà Quý Phi, gà chín cựa, gà Lôi lam đuôi trắng, gà Xước Hà Giang. Bên cạnh đó, còn nuôi giữ 2 giống heo Ỉ và Lũng Pù; 3 giống thủy cầm; 7 giống gà và một số giống khác. Nếu phát hiện có giống vật nuôi quý hiếm, những con nào có khả năng nhân giống mới sẽ tiến hành nghiên cứu; còn lại, dùng biện pháp hỗ trợ cho người dân thực hiện. 

 

Phát triển hơn nữa

Nhờ nhiều chính sách, chương trình giống vật nuôi đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực. Cùng đó, thời gian qua, nhiều cơ sở giống tư nhân đã đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất rất tiên tiến, hiện đại. Những thiết bị mới nhất về chuồng trại đã được các cơ sở, doanh nghiệp lắp đặt sử dụng. Điều này đã giúp cho công tác chăm sóc thuận lợi, bảo vệ môi trường và đặc biệt rất chính xác trong việc theo dõi sản xuất giống. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã nhận được sự quan tâm của các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển, đặc biệt về giống vật nuôi như Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Australia, New Zealand… Nhiều tổ chức nước ngoài đã khảo sát và đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt các dự án đã và đang triển khai liên quan nhiều đến phát triển giống vật nuôi và phát triển chuỗi sản xuất trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, để có giống chất lượng tốt, cấp thiết phải có giải pháp chặt chẽ hơn. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chương trình giống vật nuôi quốc gia để đảm bảo tính liên tục, tập trung vào những giống vật nuôi chủ lực là heo, gia cầm, bò sữa, bò thịt, trong đó hệ thống thụ tinh nhân tạo cần được chú trọng đặc biệt về cả đầu tư lẫn quản lý nhà nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt. Ưu tiên chọn tạo các giống vật nuôi bản địa có ưu thế phục vụ cho phương thức chăn nuôi khác nhau nhằm tạo ra các sản phẩm chăn nuôi có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ các cơ sở nuôi giữ giống gốc theo hướng thị trường, trong đó có cơ chế hỗ trợ bình đẳng giữa cơ sở nhà nước và các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế khác.

Để các trang trại sản xuất giống phát huy hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ người dân và các trang trại về kiến thức khoa học kỹ thuật trong công tác lai tạo, chọn giống. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống về vốn để mở rộng quy mô trang trại, đầu tư vào đàn giống nguồn bảo đảm chất lượng để tạo ra con giống chất lượng cao. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của công tác chọn giống trong chăn nuôi và một trong những yếu tố quyết định chất lượng con giống là người chăn nuôi nên mua con giống tại những cơ sở có uy tín…

>> Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Đây là định hướng, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại; cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *