Phòng chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm

Trước tình hình thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài kèm mưa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ đàn gia súc gia cầm. Nếu không áp dụng tốt các biện pháp chống nóng đàn gia súc, gia cầm sẽ chết hoặc phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Hà Nội có tổng đàn gia súc gia cầm lớn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Những ngày qua thời tiết khí hậu có biến đổi bất thường xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ tăng quá cao, kéo dài hằng tuần liên tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Kèm đó là mưa về đêm, đột ngột rất khó lường. Nếu không áp dụng tốt các biện pháp chống nóng gia súc, gia cầm sẽ chết hoặc phát sinh dịch bệnh.

chăn nuôi

Người dân cần có các biện pháp chống nóng, làm mát để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Thiện Tâm

Thời gian qua diễn biến dịch bệnh đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố cũng  khá phức tạp, đối với bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện bệnh ở 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ và Đan Phượng); bệnh cúm gia cầm từ tháng 1/2021 đến nay đã xuất hiện 32 ổ dịch tại 17xã/9 huyện; bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay đã xảy ra tại 4 hộ/3 xã/3 huyện, tổng số lợn tiêu hủy là 233 con. Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Tai xanh, lở mồm long móng, dại … tuy không xảy ra nhưng nguy cơ bùng phát bệnh là rất cao.

Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ cho đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm nắng, nóng và đang có biến đổi thất thường như hiện nay, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, người chăn nuôi cần cải tạo, nâng cấp, kiểm tra các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi cho gia súc, gia cầm. Điều này rất quan trọng để tránh bị làm con vật thay đổi nhiệt độ đột ngột, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ (kể cả gia súc gia cầm ở mọi lứa tuổi, nhất là gia súc gia cầm non, mới nhập đàn).

Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín, cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vận hành.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc gia cầm. Với trâu, bò, bò sữa cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, một số thức ăn ủ chua đảm bảo cho con vật đủ no và tăng cường quá trình trao đổi chất thông qua tập tính nhai lại ở trâu bò.

Hằng ngày phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu bò. Khơi thông cống rãnh; phát quang bụi rậm để tránh ruồi muỗi, côn trùng, không để nước đọng và định kỳ phun thuốc sát trùng để hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh.

Đảm bảo mật độ nuôi và chế độ vận động, tắm trải cho gia súc gia cầm; thực hiện tốt quy định về nhập giống tăng đàn và vận chuyển gia súc gia cầm trong những ngày nắng, nóng. Người dân nên nhập giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở những nơi đang có dịch bệnh. Cần kiểm tra, xem xét kỹ về chất lượng giống cũng như việc tiêm phòng đủ thời gian miễn dịch mới vận chuyển đi.

Hiện nay diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm khá phức tạp, đặc biệt những năm qua đã có bệnh mới xuất hiện (dịch tả lợn Châu phi, viêm da nổi cục), hơn nữa mầm bệnh có xu hướng mạnh về biến chủng (như Cúm A/H5N6, Cúm A H5N9 …). Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần tập trung thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vaccine để chủ động phòng, chống bệnh.

Khi đàn gia súc gia cầm có biểu hiện dịch bệnh, cần thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không được bán chạy, chấp hành nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để khống chế ngăn chặn dịch, không để bùng phát lây lan trên diện rộng.

Thiện Tâm

Nguồn: thanglong.chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *