Nguyên liệu TĂCN: Từng bước giảm phụ thuộc nhập ngoại

(Người Chăn Nuôi) – Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, khi thị trường nguyên liệu TĂCN thế giới biến động mạnh, cả doanh nghiệp sản xuất TĂCN cùng người chăn nuôi đều phải đối mặt với khó khăn. Cần giải pháp và chiến lược lâu dài để từng bước giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Giá TĂCN liên tục tăng

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng: Sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, xét cả về góc độ an ninh dinh dưỡng cũng như sinh kế cho người dân với 3 trục sản phẩm chính là: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Ngành chăn nuôi Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong thời gian qua, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho gần 10 triệu nông hộ, đáp ứng thực phẩm cho gần 100 triệu dân, GDP chăn nuôi năm 2021 chiếm 25,2% trong GDP nông nghiệp. Nhờ không ngừng đổi mới phương thức chăn nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất chăn nuôi đã tăng đáng kể, từ một nước thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng thì nay Việt Nam cơ bản đã đáp ứng đủ thực phẩm và có phần xuất khẩu. Tính trong giai đoạn 2010 – 2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần (từ 4 triệu tấn lên 6,7 triệu tấn), trứng tăng 2,7 lần (từ gần 6,4 tỷ quả lên 17,5 tỷ quả), sữa tươi tăng 4 lần (từ 0,3 triệu lít lên 1,2 triệu ấn), TĂCN công nghiệp tăng 2 lần (từ 10,5 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn). Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu như: Thịt heo choai, heo sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa… đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế.

Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 6 thế giới về tổng đàn heo với 28,1 triệu con. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước hàng đầu thế giới về chăn nuôi gia cầm với tổng đàn 523 triệu con; Có đàn trâu bò 8,6 triệu, riêng đàn bò sữa đạt 375.000 con, đàn dê cừu 2,8 triệu con.

nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: Shutter

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn như biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, áp lực cạnh tranh quốc tế khi hội nhập, đặc biệt là việc tăng giá TĂCN.

Theo ghi nhận, giá TĂCN tăng liên tiếp 16 lần kể từ tháng 11/2020, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, giá TĂCN đã tăng tới 6 lần.

 

Phụ thuộc nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu TĂCN; Năm 2021 là hơn 4,93 tỷ USD; Và 6 tháng đầu năm 2022 là 3,7 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết: “Chi phí TĂCN chiếm tới 60 – 65% giá thành sản xuất. Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn thức ăn tinh, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%; Số còn lại từ nguồn nhập khẩu 22,3 triệu tấn (số lượng này bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản). Trong tổng nhu cầu các nguyên liệu thức ăn tinh, nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng (các loại hạt cốc như ngô, lúa mì, cám, tấm, sắn…) chiếm tỷ trọng trên 65%, tương đương 21 triệu tấn; Nhóm nguyên liệu cung cấp đạm (gồm: đạm thực vật (khô dầu các loại, bã ngô (DDGS)), đạm động vật (bột thịt xương, bột gia cầm, bột huyết, bột cá…) chiếm trên 27%, tương đương 8,5 triệu tấn. Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng TĂCN công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn”.

Có thể thấy, ngành sản xuất TĂCN công nghiệp trong nước còn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nhất là thức ăn tinh chịu tác động trực tiếp từ nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Năng lực sản xuất nhiều nguyên liệu thức ăn vẫn còn hạn chế như ngũ cốc và phụ phẩm để sản xuất một số loại thức ăn bổ sung. Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều, vì thị trường khá nhỏ và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thức ăn bổ sung sản xuất tại Trung Quốc, EU. Không những thế, chi phí sản xuất và thương mại TĂCN còn lớn do nhiều khâu trung gian từ nhà máy đến các trang trại.

 

Nâng cao năng lực tự chủ

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực NN&PTNT, một trong những nội dung lớn được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn là giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá TĂCN liên tục tăng, gây khó khăn rất lớn cho nông dân. Một số đại biểu nêu vấn đề, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam từng có lợi thế trồng ngô và một số cây khác là nguyên liệu cho ngành chế biến TĂCN nhưng chưa được quan tâm phát triển.

nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Ảnh: Shutter

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như: Giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất TĂCN, phân bón, vật tư nông nghiệp…, ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Theo đó, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất TĂCN.

Thẳng thắn thừa nhận những mặt còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trong chiến lược nâng cao năng lực tự chủ của ngành nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro về thị trường. Bộ đã tổ chức rất nhiều phiên họp bàn giải pháp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất TĂCN, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị của Bộ tiếp tục nghiên cứu các mô hình giảm chi phí. Sản xuất nông nghiệp đã có những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phần nào tự sản xuất phân bón, TĂCN, thuốc sinh học…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Đây không phải là giải pháp tạm thời đối phó tình huống mà về lâu dài cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta. Tôi rất tha thiết mong 14 triệu hộ nông dân chúng ta vào hợp tác xã, kinh tế tập thể nhằm giảm giá các nguyên liệu đầu vào, vừa chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng để có giá cả tốt hơn. Đó là ở tư duy lâu dài hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp chứ không phải làm đối phó nhất thời”.

ông Dương Tất Thắng>> Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho biết: “Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn thức ăn tinh, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%; Số còn lại từ nguồn nhập khẩu 22,3 triệu tấn (số lượng này bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản)”.

Phương Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *