Nhập khẩu tăng: Thịt ngoại hại thịt nội?

(Người Chăn Nuôi) – Từ đầu năm 2024 đến nay, chăn nuôi trong nước tăng trưởng thuận lợi nhưng người nông dân lo lắng việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ làm cho tình hình tiêu thụ hàng của các nông trại sẽ ngày càng khó khăn.

Chăn nuôi đang đà phát triển

Theo Cục Chăn nuôi, quý I/2024 tương đối ổn định cả về tổng đàn và tốc độ tăng trưởng. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 132.500 tấn (tăng 1,5%), sản lượng sữa bò ước đạt 331.300 tấn (tăng 5,2%). Đàn heo tăng 3,3%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt gần 1,3 triệu tấn (tăng 4,6%). 

Tổng số gia cầm tăng 2,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 593.800 tấn (tăng 5,1%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5,0 tỷ quả (tăng 4,8%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại trong quý I/2024 ước đạt trên 2 triệu tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Tình hình chăn nuôi tăng trưởng đáng kể một phần do giá thức ăn chăn nuôi đã được bình ổn hơn năm trước. Cụ thể, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có giảm. Ngô hạt 6.827 đồng/kg (giảm 20,3%), khô dầu đậu tương 14.162 đồng/kg (giảm 4,4%), cám mì 6.026 đồng/kg (giảm 15,1%), cám gạo 5.971 đồng/kg (giảm 11,7%); DDGS 8.054 đồng/kg (giảm 18,3%). Đây là tín hiệu mừng cho các nông trại. 

Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quý I/2024 ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 38,2 triệu USD; xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa là 36,8 triệu USD.

Giá heo hơi trung bình quý I/2024 cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg trong 3 năm trở lại đây là tín hiệu lạc quan cho ngành chăn nuôi trong nước. Tính bình quân tháng 1/2024 giá đạt 53.000 đồng/kg. Trong tháng 2, giá tăng khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg và tiếp tục tăng trong tháng 3 (giá trung bình tháng 3 đạt 58.100 đồng/kg). Với việc giá heo hơi tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023, người chăn nuôi đang có lãi từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. 

Tương tự, trong quý I/2024, giá gà lông màu cao hơn khoảng 11.300 đồng/kg, tăng 30,8% so với giá trung bình quý I/2023; giá gà lông trắng cũng tăng hơn so với cùng kỳ.

Nhập khẩu vẫn còn lớn

Theo thống kê, trong quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi khoảng 702 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 336 triệu USD; Sữa và sản phẩm sữa là 236 triệu USD. 

nhập khẩu thịt lợn

Mỗi năm nước ta nhập khẩu số lượng rất lớn thịt động vật. Ảnh minh họa.

Mặc dù nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có giảm hơn so với cùng kỳ 2023 nhưng hiện kim ngạch nhập siêu vẫn rất lớn, gấp gần hàng chục lần so với kim ngạch xuất khẩu.  

Không chỉ nhập khẩu các sản phẩm thịt và phụ phẩm mà trong quý I/2024, cả nước đã nhập khẩu 518 con heo giống cấp cụ kỵ; 1.657 con bò giống (100% bò cái giống hướng thịt) và 583.783 con gà giống bố, mẹ (trong đó hơn 642.500 con gà trắng giống bố mẹ hướng thịt).

Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn cũng tăng mạnh với việc nhập khẩu 4,85 triệu tấn (tương đương 1,65 tỷ USD), tăng 6,4% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2023. 

Siết chặt quản lý nhập khẩu

Sản lượng nuôi và giết mổ tăng nhưng xuất khẩu nhỏ giọt, thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nhập khẩu. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải được nhập khẩu về Việt Nam, tương đương khoảng 240 tấn. Nhiều người chăn nuôi cho biết, đa số gà được nhập qua biên giới Việt – Lào song nguồn gốc là gà Thái Lan (?).

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng có văn bản phản ánh việc thời gian đầu năm, trung bình mỗi đêm có 6.000 – 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam. Số lượng heo nhập lậu có lúc chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Móng Cái, từ tháng 8/2023 đến ngày 15/3/2024, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 58 vụ, 50 đối tượng vi phạm về vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới với tổng trị giá hàng hóa thu giữ hơn 2,2 tỷ đồng; xử lý hình sự 2 vụ, 6 đối tượng, tang vật vi phạm tịch thu chủ yếu là gia cầm, trứng gia cầm, nội tạng động vật đông lạnh, xúc xích, cá tầm…

Tăng cường liên kết, đẩy mạnh xuất khẩu

Sở dĩ nhập lậu heo, gà tăng mạnh thời gian gần đây là do sự chênh lệch về giá bán. Giá thành chăn nuôi heo trong nước khoảng 55.000 đồng/kg cao hơn giá thành của ngành chăn nuôi Campuchia và Thái Lan khoảng 10 – 20%.

Giá thành chăn nuôi tại Việt Nam cao hơn trong khu vực, được lý giải là do phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn quá nhiều, bên cạnh đó ngành chăn nuôi Việt Nam hiện chủ yếu vẫn ở quy mô nuôi trồng tiêu thụ nhỏ lẻ. 

Khoảng 45% sản lượng ngành chăn nuôi không có đầu ra ổn định mà tiêu thụ “trôi nổi” trên thị trường. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm từ người chăn nuôi đến các công ty giết mổ, các siêu thị, cửa hàng vẫn còn chưa phổ biến. 

Theo đánh giá chung của lãnh đạo Bộ NN&PTNT “tăng trưởng của ngành chăn nuôi quý I/2024 ở mức cao nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa được như kỳ vọng”. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 3.280 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 15,55 triệu USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi cần có nhiều biện pháp tổng hợp và quyết liệt, trong đó có việc hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hàng hóa để giảm giá thành, xây dựng thương hiệu và tích cực tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam ra thế giới. 

>> Theo số liệu của Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quý I/2024 ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 38,2 triệu USD; xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa là 36,8 triệu USD. Tuy nhiên, so với tổng giá trị nhập khẩu, con số này vẫn rất khiêm tốn.

Nguyễn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *