Ngành chăn nuôi Hà Nội năm 2023: Tập trung tăng chất lượng

Ngày 10/1, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chăn nuôi, thú y năm 2022; triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023.

Báo cáo tại buổi tổng kết, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm 2022, thời tiết, tình hình khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, bất lợi ảnh hưởng nhiều đến dịch bệnh gia súc, gia cầm. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung đến các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phát biểu tại buổi tổng kết

Tính tới tháng 12/2022, Hà Nội có đàn trâu bò sinh sản là 82.496 con bò, trong đó bò sữa hơn 16.572 con, trâu bò thịt có 84.680 con; đàn lợn 1,64 triệu con; đàn gia cầm hơn 42 triệu con và đàn chó mèo hơn 438.390 con. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có hơn 1.058 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; số cơ sở buôn bán thú y có 646 cơ sở, giảm 6,6%. Có 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm… Ngành cũng đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh khi không xảy ra ổ dịch lớn, một số ổ dịch được dập ngay khi phát sinh có kết quả là do giám sát.

Dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP năm 2022 cơ bản ổn định với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Tai xanh, viêm da nổi cục trâu bò… Tập trung xây dựng vùng an toàn bệnh dại, số lượng đàn chó tăng nhưng bệnh truyền lây người và gia súc, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nói chung và vùng an toàn bệnh dại nói riêng giảm.

Bằng khen của Bộ NN&PTNT

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, chăn nuôi Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cùng với việc 5 huyện có lộ trình lên quận sẽ hạn chế việc phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, mạng lưới giết mổ đã được phê duyệt, quy định rõ nhưng việc triển khai khó khăn do bất cập về cơ chế chính sách, đất đai, thu hút DN. Cùng với việc xuất hiện nhiều biến chủng của các bệnh truyền nhiễm; biến động thị trường quá lớn, giá thức ăn chăn nuôi tăng 17 lần đã khiến người chăn nuôi lao đao, khó khăn.

Vì vậy, định hướng chăn nuôi Hà Nội thời gian tới sẽ không tăng số lượng mà chỉ tăng chất lượng; chăn nuôi gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch theo vùng và công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu; tập trung sản xuất con giống và hợp tác chăn nuôi thương phẩm với các tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm và để chăn nuôi bền vững cũng như chăn nuôi đảm bảo an toàn môi trường và an toàn dịch bệnh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ.

Sở NN&PTNT Hà Nội trao giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm 2022

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường trao giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm 2022

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, để khắc phục, hạn chế khó khăn, Hà Nội cần tập trung tư duy chiến lược phát triển chăn nuôi; xây dựng phương án phát triển chăn nuôi theo chiến lược để đưa vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tham mưu đưa vào Luật Thủ đô những điều kiện đặc thù phát triển chăn nuôi.

Đồng thời phát triển chăn nuôi sinh thái phối hợp các đơn vị liên quan để phát triển nông nghiệp sinh thái (trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản). Tập trung giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bắt đầu từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, chế biến trong chăn nuôi.

Phương Nga

Nguồn: Kinh tế Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *