Ngành chăn nuôi Bắc Kạn: Hướng tới quy mô lớn

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao… nhưng công tác chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực về chiều sâu, cơ cấu, tổ chức; quy mô chăn nuôi có sự thay đổi đáng kể từ nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại.

Nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, một số chương trình, dự án đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

nuôi trâu vỗ béo

Một hộ dân ở thôn Phiêng My, phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn nuôi nhốt trâu vỗ béo.

Việc phát triển chăn nuôi đã được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Đa số trang trại, gia trại được xây dựng cách xa khu dân cư, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh. Qua rà soát cho thấy, giai đoạn 2016- 2020 đã có một số trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn được đầu tư xây dựng đi vào sản xuất. Đến thời điểm tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh có trên 30 trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp, HTX và cá nhân (chủ yếu là chăn nuôi lợn); có 165 dự án chăn nuôi đã được phê duyệt (bao gồm cả các dự án đã đi vào hoạt động và các dự án đang triển khai thực hiện).

Trong số 21 dự án chăn nuôi (lợn, bò, gia cầm) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.865 tỷ đồng thì đã có 04 dự án chăn nuôi lợn đã đi vào hoạt động với tổng đàn hiện có là 15.973 con lợn. Bên cạnh đó, có 17 dự án đã được phê duyệt, hiện đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng chưa đi vào hoạt động (03 dự án chăn nuôi bò, 13 dự án chăn nuôi lợn, 01 dự án chăn nuôi lợn và gia cầm). UBND các huyện, thành phố phê duyệt 144 dự án. Các dự án cơ bản đã nghiệm thu, hoàn thành, số ít đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo lộ trình từng năm với tổng số vốn đầu tư 27.811 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò… các tổ chức, cá nhân đã từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên biệt. Qua đó việc quản lý, tổ chức sản xuất, đầu tư chuồng trại, trang thiết bị hiện đại, áp dụng chăn nuôi theo quy trình, quy chuẩn, công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm đúng mức, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Thời gian qua chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung dần chiếm ưu thế so với chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, các cơ sở đáp ứng được yêu cầu về khoảng cách xa khu dân cư, các công trình phúc lợi, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong nông nghiệp, giá trị trong hoạt động sản xuất chăn nuôi cao hơn sản xuất trồng trọt trên cùng một đơn vị diện tích; chăn nuôi theo quy trình, quy chuẩn, đảm bảo an toàn dịch bệnh đã giảm thiểu việc lây lan dịch bệnh; tạo được sự liên kết trong chăn nuôi, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo được vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển; tạo việc làm, tăng thu ngân sách cho Nhà nước và tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.

Đặc biệt, chăn nuôi lợn có sự phát triển vượt trội hơn so với các vật nuôi khác, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào chăn nuôi. Tổng đàn lợn tại trang trại chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp, HTX chiếm khoảng 19% tổng đàn lợn toàn tỉnh.

Mặc dù có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn một số hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh như: Giá trị gia tăng trong sản xuất thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ (nông hộ) còn chiếm tỷ lệ cao, thiếu ổn định; năng suất thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém; việc giết mổ, chế biến sâu còn hạn chế do công nghiệp chế biến chưa phát triển; liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế, thiếu nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sản xuất…

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2035 đã xác định phát triển chăn nuôi theo phương thức trang trại, gia trại. Trong đó, tỉnh xác định 03 loại vật nuôi để tập trung phát triển là trâu, bò và lợn; tập trung cho phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời tiếp tục khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả ngành kinh tế, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh./.

Phan Quý

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *