Đảm bảo thức ăn cho gia súc vào mùa đông

(Người Chăn Nuôi) – Vào mùa đông, nguồn thức ăn cho gia súc ngày càng khan hiếm. Vì vậy, người nuôi cần có kế hoạch dữ trự để đáp ứng đủ nhu cầu cho vật nuôi.

Phơi khô thức ăn

Cỏ, rơm phơi khô là thức ăn cung cấp nguồn vitamin, protein, khoáng chất, chất xơ dồi dào cho trâu, bò vào mùa lạnh. Đây là phương pháp đơn giản, phù hợp với mọi quy mô chăn nuôi, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư thấp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc. Thức ăn phơi khô cho gia súc là các loại cỏ, rơm, thân cây ngô, lạc… Sau khi phơi khô, thức ăn sẽ giảm được độ ẩm, gia súc sẽ ăn được nhiều, kích thích tiêu hóa, ngoài ra còn duy trì sự ổn định của dạ cỏ giúp cho vi sinh vật thực hiện các hoạt động phân giải thức ăn. Từ đó, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia súc. Đặc biệt, thức ăn khô còn giúp kích thích sự phát triển dạ cỏ của bê con. Để thức ăn phơi khô đạt chất lượng, người nuôi nên thu hoạch cỏ để phơi vào lúc cỏ sắp ra hoa, lúc đó cỏ vừa đúng độ, không quá non cũng không quá già làm tăng khả năng ăn vào của gia súc. Thức ăn phơi khô cần được bảo quản ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không bị mưa dột hay đọng nước.

 

Ủ chua

Đây là phương pháp nén chặt các loại thức ăn có khả năng lên men trong điều kiện kín khí để bảo quản lâu dài. Nguyên liệu có thể là cây ngô, các loại phụ phẩm chế biến dứa (bã, chồi…). Công thức ủ: 100 kg thân cây ngô tươi + 3 kg urê + 0,5 kg NaCl (có thể bổ sung 2 – 4% rỉ mật đường)… Nguyên liệu đem ủ chua cần được cắt ngắn 5 – 10 cm và có chứa lượng nước khoảng 65 – 75%. Chỉ ủ những thức ăn sạch và đảm bảo chất lượng. Tiến hành trộn muối ăn, urê, sau đó đem hỗn hợp này trộn đều với cỏ. Khi ủ nên chia lượng thức ăn thành nhiều lớp, mỗi lớp dày khoảng 20 – 30 cm, lớp trước phải được nén thật chặt và đầm kỹ rồi mới thêm lớp tiếp theo. Thức ăn được ủ khoảng 3 tuần là có thể sử dụng cho gia súc ăn.

thức ăn cho gia súc mùa đông

Cần có kế hoạch dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông

Thức ăn ủ chua được bảo quản lâu dài và ít bị mất chất dinh dưỡng. Nếu thức ăn ủ xanh có chất lượng tốt có thể cho gia súc ăn tới 5 – 7 kg/100 kg thể trọng/ngày. Vào ngày đầu tiên nên cho ăn lượng nhỏ để cho trâu, bò ăn quen dần, sau đó tăng dần và đến ngày thứ 3 hay 4 thì cho ăn lượng tối đa cần thiết. Lưu ý, khi lấy cỏ ủ cho trâu, bò ăn cần lấy lần lượt từ đầu này sang đầu kia của hố ủ hoặc từ trên xuống dưới. Chú ý không mở rộng miệng hố, không khí vào nhiều làm thâm màu cỏ. Lấy xong lại đậy nắp kín lại.

 

Ủ héo

Ủ héo là cách làm trung gian giữa ủ tươi và phơi khô. Nguyên liệu được ủ héo thường khô hơn nguyên liệu dùng để ủ tươi. Thức ăn ủ héo lên men ít, lượng chất dinh dưỡng được bảo toàn. Nguyên liệu dùng để ủ héo thường là cỏ tươi. Độ ẩm thích hợp để ủ héo cỏ là 50 – 60%. Vì vậy, tùy thuộc vào độ ẩm của cỏ mà người nuôi có thể ủ lúc cỏ còn tươi hay đem phơi tái trước khi ủ nhằm làm giảm độ ẩm của cỏ. Cỏ được ủ trong túi nilon, khi ủ phải nén chặt từng lớp và túi phải được buộc kín, đảm bảo không có lỗ hổng nếu không cỏ sẽ bị hỏng. Trong quá trình ủ, cần chú ý tiêu diệt chuột, côn trùng có thể cắn vỏ bao.

 

Chủ động trồng cỏ

Thức ăn lý tưởng cho gia súc nhai lại là cỏ xanh nhưng năng suất lại thay đổi theo mùa vụ, vì thế trong mùa lạnh (khô) thường bị thiếu. Để giải quyết vấn đề này, một số địa phương miền núi đã chủ động thực hiện việc chuyển một số diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt như cỏ voi, cỏ Ghinê, VA06… để trồng thâm canh nhằm có đủ nguồn thức ăn thô xanh. Đây là những loại cỏ cho năng suất cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt tốt. Nếu chủ động được nước tưới vào mua khô thì có thể thu hoạch cỏ quanh năm. Cỏ Voi và cỏ VAO6 cho chu kỳ kinh tế lâu dài, trồng 1 lần có thể thu hoạch được năng suất cao trong khoảng 3 – 4 năm. Nếu chăm sóc tốt thì chu kỳ đó có thể kéo dài đến 10 năm.

 

Dự trữ nguồn thực phẩm có nhiều chất xơ

Nguồn phụ phẩm nhiều chất xơ rất phong phú và đa dạng như rơm, ngọn lá mía, ngọn sắn… Nguyên tắc làm tăng khả năng sử dụng phụ phẩm nhiều xơ gồm thu gom sau thu hoạch để dự trữ lâu dài; Bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hay xử lý nhằm phá vỡ các liên kết phức tạp để làm tăng tỷ lệ tiêu hóa và lượng thu nhận thức ăn. Trong đó, phương pháp xử lý vật lý và sinh học ít được áp dụng do quy trình phức tạp, chi phí thiết bị cao. Trong xử lý hóa học, có xử lý bằng ủ chua, ủ urê là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay.

 

Dự trữ nguồn thức ăn tinh

Nguồn thức ăn tinh sử dụng cho vật nuôi bao gồm bột ngô, khoai, sắn, bột đậu tương, cám gạo… Đây là nguồn thức ăn cung cấp các thành phần dinh dưỡng quan trọng cho gia súc như các chất tinh bột, chất đạm, chất khoáng, vitamin…

Thức ăn tinh được bảo quản ở dạng khô, được dự trữ trong chum vại, bao tải, thùng kín… Nơi bảo quản phải khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo không bị mối mọt, ẩm mốc. Khi có hiện tượng ẩm, vón cục, mối mọt… cần có biện pháp xử lý kịp thời.

>> Ngoài việc dự trữ thức ăn cho vật nuôi, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trước khi mùa đông đến, người nuôi cần tập trung chăm sóc, vỗ béo gia súc để tăng sức đề kháng. Với những gia súc yếu hoặc gia súc non cần chủ động di chuyển đàn xuống vùng thấp để chăm sóc.

Thái Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *