Kỹ thuật úm gà con

(Người Chăn Nuôi) – Gà con trong giai đoạn từ 1 đến 21 ngày hệ hô hấp và tiêu hóa chưa hoàn thiện, sức đề kháng thấp dẫn đến dễ mắc bệnh, tỷ lệ sống thấp. Do vậy cần phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật úm gà con để đàn gà nuôi mau lớn, đảo bảo năng suất vụ nuôi.

Chuồng trại, thiết bị

Quây úm: Quây úm hay còn gọi là chuồng úm, lồng úm là thiết bị không thể thiếu trong quá trình úm gà ở quy mô vừa và nhỏ. Quây úm sẽ được lắp đặt, chia ra thành từng khu riêng biệt để úm gà. Với yêu cầu quây úm phải ấm vào đông và thoáng mát, khô ráo vào mùa hè. Che chắn được gió mưa, đảm bảo không có gió lùa, mưa tạt vào quây úm. Người nuôi có thể sử dụng các vật liệu khác nhau để làm quây úm như tre, nứa, bìa cứng, vải bạt, thùng giấy… Quây thành từng ô, có chiều cao khoảng từ 45 – 50 cm, đường kính từ 1,5 – 2 m, dùng để úm 120 – 200 con gà con. Dựa vào số lượng gà con mà người nuôi có thể chia thành từng lô nuôi.

Chất độn chuồng: Có thể sử dụng trấu, mùn cưa hoặc rơm rạ. Hiện nay trấu đang được sử dụng rộng rãi do dễ kiếm, giá thành rẻ, có khả năng hút ẩm tốt. Trước khi sử dụng chất độn chuồng phải được phơi khô, khử trùng bằng formol trước 72 tiếng. Sau đó tiến hành mang vào rải trong lồng úm trước 12 tiếng khi thả gà con. Độ dày của chất độn phù hợp từ sẽ 10 – 15 cm.

úm gà

Ảnh: ST

Dụng cụ sưởi: 

– Úm bằng điện: Thông thường sử dụng bóng điện hồng ngoại 250W trên thị trường có rất nhiều bóng để lựa chọn. Với 1.000 gà, người nuôi có thể sử dụng 5 – 10 bóng tùy thuộc và thời gian úm là vào mùa đông hay mùa hè. 

– Úm bằng gas: Hiện nay phương pháp này ít được áp dụng.

– Úm bằng than: Phương pháp này hiện nay đang được áp dụng tại các hộ nuôi có qua mô lớn do giá thành rẻ. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao. Ở phương pháp này cần chú ý, khí than phải được đưa ra khỏi chuồng nuôi, do than sinh nhiệt rất lớn nhưng lại tăng chậm nên cần chuẩn bị các lò than sao cho nhiệt trong chuồng luôn ổn định tránh hiện lúc nóng lúc lạnh không tốt đối với sức khỏe đàn gà.

Máng ăn: Giai đoạn gà nhỏ có thể dùng khay, mẹt kích thước 50 x 50 cm, mật độ 50 gà/khay. Sau 1 tuần có thể thay thế bằng máng tròn hoặc máng dài bằng cách rút dần khay ăn ra.

Máng uống: Giai đoạn úm cho uống bằng máng galon loại 2 lít.

Con giống

Việc lựa chọn con giống có chất lượng tốt quyết định rất lớn tới hiệu quả chăn nuôi. Chọn những gà khỏe mạnh, mắt sáng, lông bông, đi lại nhanh nhẹn, gà đều nhau không nên chọn những gà hở rốn, bại chân, ướt lông…

Kỹ thuật úm

Nhiệt độ: Tùy theo mùa vụ mà điều chỉnh nhiệt độ úm sao cho phù hợp, có thể theo dõi đàn gà để biết được nhiệt độ quây úm đã phù hợp hay chưa, quan sát nếu thấy gà tập trung gần sát bóng đèn là gà đang bị lạnh cần tăng nhiệt độ. Nếu thấy gà tản ra xung quanh, há mỏ và uống nhiều nước là gà đang quá nóng. Còn gà tập trung về một phía chuồng úm thì gà bị gió lùa. Gà đi lại bình thường ở tất cả khu vực của chuồng úm là nhiệt độ phù hợp. Để theo dõi nhiệt độ trong quây úm bà con có thể lắp đặt nhiệt kế và căn cứ vào đó để điều chỉnh nhiệt độ quây úm cho phù hợp với từng độ tuổi của gà:  Gà 0 – 7 ngày tuổi là 31 – 320C; Gà 8 – 21 ngày tuổi là 28 – 300C; Gà 22 – 28 ngày tuổi là 22 – 280C

Chiếu sáng: Thời gian chiếu sáng rất quan trọng đối với gà con. Nếu sử dụng được nguồn chiếu sáng sẽ có tác dụng làm tăng đòi hỏi về thức ăn, kích thích cơ thể phát triển mà không làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn. Thời gian chiếu sáng phụ thuộc vào loại chuồng nuôi kín hay hở, mùa hè hay mùa đông, nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho gà. Nhu cầu chiếu sáng cho gà con như sau: Gà 1 – 3 ngày tuổi: 24h/ngày; Gà 4 – 7 ngày tuổi: 16h/ngày; Gà 8 – 14 ngày tuổi: 12h/ngày; Gà 15 – 28 ngày tuổi: 8h/ngày.

Mật độ nuôi: Sẽ được giảm dần theo số tuần tuổi của gà. Để tránh chuồng úm quá chật ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của gà con cần có mật độ nuôi phù hợp như sau: Tuần 1: 30 – 40 con/m2; Tuần 2: 20 – 30 con/m2; Tuần 3: 15 – 25 con/m2; Tuần 4: 12 – 20 con/m2.

Nước uống: Gà con mới nhập về sau khi thả vào quây phải cho uống nước ngay. Tuy nhiên, lưu ý, cần pha thêm đường Glucose, Vitamin C, điện giải vào nước cho gà uống trong 2 – 3 giờ đầu tiên để chống stress và tăng sức đề kháng cho đàn gà, sau đó bắt đầu cho gà ăn tự do.

Thức ăn: Nên cho gà ăn thức ăn công nghiệp, tỷ lệ protein thô từ 19 – 21%. Thức ăn cho gà con cần loại chất lượng cao, giàu dinh dưỡng nhưng phải dễ tiêu hóa. Cho gà ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít để thức ăn luôn mới, thơm ngon, kích thích tính thèm ăn của gà. Mỗi lần cho ăn, người nuôi cần lưu ý loại bỏ chất độn chuồng và phân gà lẫn trong cám cũ để đảm bảo vệ sinh.

Để tránh hiện tượng cắn mổ, bới thức ăn làm rơi vãi gây lãng phí, nên cắt mỏ cho gà con vào lúc gà được 10 – 21 ngày tuổi. Cắt mỏ trên của gà ở khoảng ½ từ ngoài vào, mỏ dưới chỉ đốt nóng đầu mỏ để hạn chế phát triển.

Trong quá trình úm, luôn giữ cho chuồng trại sạch sẽ khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Định kỳ phun sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thay chất độn chuồng, cọ rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ.

Tuân thủ đúng lịch tiêm vaccine phòng bệnh cho gà.

>> Tuyệt đối không nhồi nhét gà số lượng lớn, trong không gian quá chật hẹp. Đây là yêu cầu cơ bản trong kỹ thuật úm gà con mà người nuôi phải biết. Không quá rộng, không quá chật tạo không gian sinh sống thoải mái, lý tưởng nhất cho đàn gà.

Diệu Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *