Bén duyên với nuôi thỏ

(Người Chăn Nuôi) – Thỏ là loại động vật gặm nhấm, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, thịt lại có giá trị dinh dưỡng cao, vì thế, không ít người dân ở nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển mô hình này, nâng cao thu nhập.

Nhiều mô hình thành công

Mạnh dạn đầu tư chuồng trại, gia đình anh Hoàng Quốc Huy, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng đã chọn giống thỏ trắng New Zealand để phát triển kinh tế gia đình. Anh Huy cho biết, đầu năm nay đã xuất bán cho các thương lái, đầu mối nhà hàng và người dân trên địa bàn huyện 400 con thỏ với giá 75.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu lợi nhuận 20 triệu đồng từ mô hình nuôi thỏ New Zealand. Theo anh Huy, thỏ ăn không nhiều, thức ăn chủ yếu là cỏ, các loại rau xanh. Người nuôi chỉ cần cho thỏ ăn vào buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, phải đảm bảo cho thỏ uống đủ nước sạch, ăn cỏ sạch, khu vực nuôi thỏ cần thoáng mát, giữ cho thỏ không bị lạnh và nắng nóng… Đặc biệt, đối với thỏ nuôi nhân giống, nên chú ý không để thỏ phối giống trùng huyết, nếu phối giống trùng huyết thỏ con sẽ chết, hoặc nuôi không đạt yêu cầu. Thỏ đực và thỏ cái phải nuôi riêng trước và sau khi phối giống. Nuôi thỏ nái cần ghi sổ nhật ký để biết ngày cho phối giống, để máng cho thỏ đẻ và ngày cai sữa thỏ con…

nuôi thỏ

Nghề nuôi thỏ đã và đang đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ chăn nuôi

Cũng chọn giống thỏ trắng New Zealand, gia đình anh Lương Thế Tài – chị Đỗ Thị Sâm, thôn Lâm Chính, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa cũng rất thành công. Chị Đỗ Thị Sâm cho biết, thỏ giống sau 5 – 6 tháng thì bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm thỏ đẻ 6 – 8 lứa, mỗi lứa trung bình 6 – 10 con. Khi thỏ đạt trọng lượng trung bình 1,8 – 2 kg/con là có thể xuất bán. Do vậy mỗi năm gia đình xuất khoảng 1.000 thỏ giống và thương phẩm, trừ chi phí, anh chị thu về trên 70 triệu đồng.

 

Liên kết để bền vững

Để tăng hiệu quả và tính bền vững trong mô hình nuôi thỏ, nhiều hộ dân đã áp dụng hình thức liên kết sản xuất, thành lập các hợp tác xã, hội chăn nuôi. Điển hình là cách làm của Hội Chăn nuôi thỏ Hải Dương với trên 40 hội viên và mỗi tháng cung cấp ra thị trường 20 – 25 tấn thỏ thương phẩm. Là một trong những hội viên, anh Nguyễn Hữu Ước, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà cho biết, từ ngày tham gia Hội anh không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm, không bị ép giá, bên cạnh đó đầu vào của sản phẩm như: Giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư đảm bảo chất lượng, giá thành cũng giảm.

Được biết, Hội Chăn nuôi thỏ Hải Dương đang thực hiện hợp đồng cung ứng sản phẩm cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận khoảng 4.000 – 5.000 con/tháng, với giá bán trung bình 75.000 đồng/kg. Hội cũng xây dựng và tìm kiếm thêm các đối tác thu mua thỏ thương phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ đến chuỗi nhà hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể nâng cao giá bán sản phẩm cho hội viên.

Trang trại nuôi thỏ của anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Quang Đạo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc là một điểm tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất của người dân địa phương nhiều năm qua. Anh Thắng chia sẻ, năm 2014, qua tìm hiểu, nhận thấy nuôi thỏ trắng New Zealand hiệu quả kinh tế cao, dễ nuôi, không cần quá nhiều vốn lại có đầu ra ổn định nên anh đầu tư gần 500 triệu xây dựng hệ thống chuồng nuôi bán tự động và thí điểm gần 1.000 thỏ giống.

Do được chăm sóc cẩn thận, kết hợp khí hậu Tam Đảo dịu mát nên lứa thỏ đầu tiên sinh trưởng, phát triển tốt, sau 3 tháng đã có thể xuất chuồng với giá bán buôn thời điểm đó là 40.000 đồng/kg. Từ thành công bước đầu này, năm 2015, anh tái đàn nuôi 250 thỏ cái, gần 50 thỏ đực, duy trì thường xuyên hơn 1.500 thỏ thương phẩm và hơn 300 thỏ giống. Cùng năm đó, nhận thấy chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả cao, anh Thắng quyết định thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Tam Đảo, đưa mô hình chăn nuôi thỏ thành trọng yếu để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, Hợp tác xã có 10 thành viên duy trì hơn 20.000 thỏ các loại, trong đó có hàng trăm thỏ nái đủ điều kiện sinh sản để tự sản xuất, cung cấp giống ra thị trường với số lượng hàng chục nghìn con mỗi năm. Doanh thu trung bình của Hợp tác xã đạt trên 5 tỷ đồng/năm, trung bình mỗi hộ liên kết đạt từ 400 triệu đồng/năm. Được biết, Hợp tác xã của anh Thắng đã ký hợp đồng liên kết, cung ứng sản phẩm cho Công ty TNHH Nippon Zoki để xuất khẩu thỏ sang Nhật Bản nghiên cứu, chế biến dược phẩm.

Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *