Ngành gia cầm thế giới: Kỳ vọng sức cầu nửa cuối năm

(Người Chăn Nuôi) – Cầu mạnh và cung thấp đang tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp gia cầm toàn cầu vượt qua khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ dưới mức trung bình.

Ðộng lực tăng trưởng

Hầu hết các nền kinh tế đã mở cửa trở lại, cùng đó Chính phủ tại những quốc gia này đã áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19 và người tiêu dùng cũng quay lại các thói quen mua sắm trước đây. Yếu tố này tạo lực kéo nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa, bao gồm thịt gia cầm. Nhu cầu đối với thịt gia cầm tăng lên do thực phẩm và giá cả các hàng hóa khác tăng cao, trong khi người tiêu dùng cũng đang tìm cách hạn chế chi tiêu và lựa chọn loại thịt có giá vừa phải nhất.

Theo Rabobank, lợi nhuận của các hãng gia cầm vẫn khả quan, nhưng cảnh báo các nhà sản xuất phải đặc biệt chú ý kiểm soát chi phí đầu vào đang tăng cao và nhiều yếu tố gây gián đoạn chuỗi cung ứng để có thể duy trì cạnh tranh.

Chi phí thức ăn và năng lượng vẫn ở mức cao hơn nhiều năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cho đến hết năm nay, trong khi tác động của COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Ðối với một số thị trường, áp lực từ dịch cúm gia cầm độc lực cao (AI) vẫn là thách thức đáng lo ngại nhất từ trước đến nay, trong khi đó cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang tiếp diễn sẽ trở thành các yếu tố tác động liên tục đến giá cả hàng hóa và năng lượng.

 

Trở ngại đầu vào

Chi phí thức ăn dự kiến không tăng thêm trong những tháng tới, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Ngành gia cầm đã phải chịu áp lực lớn khi giá ngũ cốc tăng mạnh, gần như gấp đôi kể từ quý II/2020 trong khi giá khô đậu tăng 60%. Giá nguyên liệu thức ăn vẫn cao nhưng cũng đã hạ nhiệt xuống dưới mức đỉnh của quý II/2022. Sự sụt giảm nhẹ này được cho là do nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường xuống thấp hơn, trong khi đó dự báo vụ thu hoạch đậu tương thứ 2 của Brazil, vụ lúa mỳ và đậu tương của Mỹ sắp tới đều tương đối tích cực. Tuy nhiên, mặc dù nguồn cung đầy triển vọng nhưng cũng không thể đưa giá thức ăn về mức bình thường như trước đây mà chỉ giảm nhẹ đôi chút.

gia cầm thế giới

Chi phí thức ăn chăn nuôi cao là một trong những thách thức lớn đối với ngành gia cầm.

Chi phí thức ăn chăn nuôi cao chỉ là một trong số hàng loạt thách thức sẽ tiếp tục cản trở ngành gia cầm. Giá dầu và khí đốt đã tăng mạnh, trong khi đó giá khí đốt đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà sản xuất gia cầm tại châu Âu, do họ đang phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Chi phí phân phối đang cao gấp 3 – 4 lần cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó tình trạng thiếu hụt lao động vẫn là vấn đề nan giải ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Rabobank, chi phí đầu vào của ngành gia cầm sẽ tiếp tục tăng trong bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình chiến sự tại Ukraine.

Dịch bệnh AI sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến ngành gia cầm toàn cầu. Hiện, châu Âu đang vật lộn với đại dịch này và đã tiêu hủy hơn 53 triệu con gia cầm. AI đang càn quét ngành gia cầm Mỹ từ tháng 2/2022 với con số thiệt hại lên đến 38 triệu con gia cầm.

 

Thương mại sôi động

Nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm trên thị trường quốc tế được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhập khẩu mặt hàng cũng tăng mạnh trong năm nay trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và giá cao.

Do nhu cầu tiêu thụ gia cầm đang tăng mạnh, nhiều quốc gia đã phải dỡ bỏ các lệnh hạn chế nhập khẩu, trong khi số khác nới lỏng nhiều quy định nhằm giảm lạm phát giá tiêu dùng. Tuy nhiên, trong trường hợp của mặt hàng ngũ cốc thức ăn chăn nuôi, trong khi một số quốc gia nới lỏng quy định để nhập khẩu thông thoáng hơn, thì số khác lại hạn chế xuất khẩu.

Khi nhu cầu tiêu thụ gia cầm trên thị trường thế giới tăng cao, Brazil và Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi đó châu Âu đã mất thị phần bởi các lệnh hạn chế xuất khẩu do dịch cúm AI. Ngành gia cầm Thái Lan cũng đang phục hồi vị thế, nhưng vẫn chưa đủ sức cạnh tranh được giá bán với các đối thủ khác.

Thương mại toàn cầu sẽ sôi động hơn trong nửa cuối năm nay. Dự kiến có thêm nhiều quốc gia dỡ bỏ các rào cản hạn chế nhập khẩu, trong khi những quốc gia đã mở cửa trở lại sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu do sản xuất trong nước đắt đỏ hơn.

>> Theo Rabobank, trong khi tiêu thụ thịt gia cầm vẫn mạnh, thì những khó khăn trong hoạt động và sản xuất sẽ hạn chế khả năng cung ứng của ngành này. Rabobank dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành gia cầm toàn cầu đến cuối năm sẽ đạt 0,5 – 1%, thấp hơn mức kỳ vọng 2,5% của mọi năm.

Tuấn Minh

         (Theo InternationalPoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *