Vĩnh Phúc: Xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, ngày 15/8/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1505 phê duyệt “Đề án Phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025”. Dự kiến sau khi hoàn thành, đề án sẽ góp phần xây dựng và củng cố các xã, vùng trọng điểm chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chủ lực đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Là một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi gà đẻ, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy Sản Chiến Thắng, xã Thanh Vân (Tam Dương) chia sẻ: Với giá 31.000 đồng/chục trứng gà như hiện nay, gia đình nuôi 1.000 gà đẻ, tỷ lệ trứng đạt 75% sẽ thu về hơn 2,3 triệu đồng/ngày, trừ các chi phí thức ăn, thuốc, nhân công khoảng 1,5 triệu đồng/ngày, thu lãi 800 nghìn đồng/ngày (tương đương khoảng 24 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán, không phải lúc nào cũng đạt tỷ lệ trứng cao và thu nhập “khủng” như trên vì dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Hiện gia đình ông đang nuôi 9.000 gà đẻ thế nhưng gần nửa tháng nay, phải lo thuốc thang cho gà vì đàn vật nuôi bị cúm A/H9N2.

nuôi gà đẻ

Với 3 nghìn gà đẻ, trung bình 1 năm gia đình bà Nguyễn Thị Bảy, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương thu lãi trên 200 triệu đồng. Ảnh: Thế Hùng

Do đó, dù giá trứng trên thị trường rất cao nhưng đàn gà của gia đình tỷ lệ trứng không đạt, cộng thêm đầu gà giảm (do gà bệnh chết, bán thải), tiền thuốc tăng, khiến thu nhập của gia đình giảm sút. Để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, rất cần thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi.

Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh đã dành gần 33 tỷ đồng hỗ trợ giống vật nuôi, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; 23 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn sạch, xử lý chất thải chăn nuôi, mua máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi; gần 467 tỷ đồng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh và hỗ trợ đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm gần 131 tỷ đồng.

Nhờ đó, những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2011 – 2020 giá trị sản xuất chăn nuôi (giá so sánh 2010) tăng bình quân 3,72%/năm.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết nhưng giá trị sản xuất chăn nuôi trên địa bàn vẫn tăng trưởng 7,24%, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 56,9% trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện, toàn tỉnh có trên 17.000 con trâu, trên 97.000 con bò, đàn lợn trên 473.000 con, đàn gia cầm gần 12 triệu con. Hơn nữa, một số huyện đã hình thành vùng chăn nuôi tập trung gà đẻ, gà thịt như Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường, chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Yên Lạc.

Các tiến bộ KHKT đã được áp dụng trong nhiều mô hình chăn nuôi như: Sử dụng giống mới, thức ăn công nghiệp, chuồng trại kín nhằm hạn chế dịch bệnh, ảnh hưởng của thời tiết góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.

mô hình nuôi dê
Mô hình nuôi dê của gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên đem lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thế Hùng

Bên cạnh kết quả đã đạt được, hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn còn nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư, quy mô chăn nuôi nông hộ là chủ yếu gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Cùng với đó, vẫn còn tư duy theo theo phong trào, dẫn đến một số thời điểm xảy ra tình trạng cung vượt cầu, dư thừa sản phẩm, giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất, người chăn nuôi bị thua lỗ.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh xảy ra do lây lan, ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất chăn nuôi.

Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đáp ứng các điều kiện vệ sinh ATTP. theo chuỗi liên kết, có thương hiệu còn rất hạn chế. Vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, chưa có công nghệ xử lý chất thải hữu hiệu với từng quy mô chăn nuôi.

Với mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2025 tăng bình quân 3,0%/năm; chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa; xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên cạn; tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 80% tổng đàn; công tác khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi được thực hiện định kỳ, hạn chế dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra ở diện rộng, theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 ngày 15/8/2022, tỉnh sẽ dành gần 103 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Trong đó, hỗ trợ nâng cao chất lượng giống vật nuôi gần 8 tỷ đồng; hỗ trợ chính sách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm 60 tỷ đồng; hỗ trợ đổi mới phương thức sản xuất chăn nuôi, bao gồm xử lý chất thải, chứng nhận VietGAP, hữu cơ và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hơn 34 tỷ đồng; còn lại xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Hồng Tính

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *