Phòng bệnh đậu trên heo

(Người Chăn Nuôi) – Đậu heo là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh với các mụn đậu xuất hiện nhiều trên da. Ở các nước có nền chăn nuôi heo theo hướng tập trung công nghiệp thì bệnh được liệt vào danh mục các bệnh nguy hiểm (danh mục A).

Nguyên nhân

Bệnh do một loại virus chứa AND cùng nhóm với virus gây bệnh đậu ở trâu, bò, dê, cừu, gia cầm và người. Tuy nhiên, virus này có cấu trúc kháng nguyên hoàn toàn khác. Virus có sức sống kém trong các tổ chức hữu cơ thối rữa và ở nhiệt độ cao. Chúng chết khi đun sôi 2 – 3 phút, dễ bị tiêu diệt bởi 5% H2CO3, 10% nước vôi, 1‰ KMnO4. Tuy nhiên, trong môi trường chất lỏng hữu cơ, virus tồn tại và giữ nguyên đặc tính gây bệnh trong thời gian dài, nhất là khi ở nhiệt độ thấp. Dưới 100C, virus sống hàng năm, khi được đông khô thì có thể tồn tại trên 3 năm.

 

Đặc điểm dịch tễ

Loài mắc bệnh: Heo ở tất cả lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên heo con theo mẹ mẫn cảm nhất và mức độ bệnh cũng nghiêm trọng nhất. Dê, cừu, trâu, bò, khỉ, gà, chuột bạch không mẫn cảm với virus đậu heo.

Một số giống heo, nhất là heo địa phương, heo được nuôi quảng canh, nuôi thả rông hầu như không bị bệnh đậu, nhưng khi xét nghiệm phân lập virus đậu ở những heo này lại có thể tìm thấy chúng. Trong khi đó, các giống heo năng suất cao có mức mẫn cảm với virus đậu cao gấp nhiều lần so heo địa phương. Hình thức chăn nuôi công nghiệp cũng đã tạo điều kiện cho virus đậu lan truyền, phát tán nhanh và tăng cường độc lực.

bệnh đậu heo

Đậu heo được liệt vào danh mục các bệnh nguy hiểm

Đường lây truyền: Virus đậu thâm nhập vào cơ thể heo bằng nhiều con đường khác nhau: Qua vết thương ở da, ở niêm mạc, qua đường tiêu hóa và cả đường hô hấp… Heo khỏi bệnh vẫn mang virus và thải virus đậu gây bệnh ra môi trường hơn 2 tháng.

Cơ chế sinh bệnh: Virus đậu có tính hướng tế bào biểu bì ở da, đường tiêu hóa và hô hấp. Sau khi thâm nhập vào cơ thể heo, chúng ký sinh ngay trong nguyên sinh chất của các tế bào trên, sinh sản theo cách tự nhân đôi và gây hiện tượng nhiễm trùng huyết. 

 

Triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 4 – 7 ngày, có khi đến 16 ngày. Heo nhiễm bệnh bị sốt, mệt mỏi, chán ăn, sau đó thì bỏ ăn hoàn toàn. Mí mắt viêm và mắt có dử nâu. Chảy nước mũi. Tại các chỗ da ít lông bắt đầu xuất hiện và hình thành các nốt đậu. Các nốt đậu nhanh chóng vỡ ra và tạo vết loét, về sau chúng được phủ một lớp vảy màu nâu được một thời gian thì bong tróc. Nếu không có nhiễm trùng thứ phát thì bệnh sẽ nhanh khỏi. Heo bệnh sẽ tự tạo được miễn dịch bảo hộ trong thời gian ít nhất 3 – 4 tháng, thậm chí trên 6 tháng.

 

Bệnh tích

Chủ yếu là các mụn đậu ở da với các giai đoạn hình thành và phát triển khác nhau. Ngoài ra, còn thấy nốt đậu ở miệng, ở khí quản.

Trong phổi và đường ruột thấy nhiều điểm viêm xuất huyết, hoại tử, rõ nhất là các vết loét trong dạ dày.

 

Chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng: Không khó vì trên da có các mụn đậu đặc trưng.

Chẩn đoán phân biệt: Các vảy nâu ở bệnh đậu cần phân biệt với các vảy nâu của bệnh liên cầu khuẩn và phó thương hàn.

 

Phòng bệnh

Chỉ nhập heo với lý lịch rõ ràng, đã qua kiểm tra huyết thanh âm tính với bệnh đậu. Thực hiện nguyên tắc cùng vào cùng ra. Tuyệt đối cấm tiếp xúc giữa heo với trâu, bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo, bồ câu, gà, vịt và các loại chim trời. Không mang thịt heo sống hoặc sản phẩm heo sống vào trang trại heo với bất kỳ lý do và hình thức nào.

Thiết lập hàng rào cách ly khu vực chăn nuôi với môi trường bên ngoài, nhằm ngăn chặn người lạ, gà, vịt, chó, mèo, chuột… vào khu vực chăn nuôi.

Rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi và lối đi một lớp dày 1 – 2 cm, rộng 1,5 m tạo vành đai vôi bột nhằm loại trừ mầm bệnh.

Đảm bảo về mật độ nuôi, thông thoáng và đủ nhiệt độ. Giữ chuồng luôn khô, sạch, ấm về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

 

Xử lý bệnh

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu thực hiện nguyên tắc điều trị là giữ vệ sinh, đề phòng các nhiễm trùng thứ phát của vết thương thì heo sẽ nhanh khỏi.

Khi phát hiện bệnh cần nhanh chóng can thiệp. Phải thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch như: Khoanh vùng có dịch, giám sát theo dõi diễn biến của dịch, thường xuyên thông báo tình hình dịch bệnh, các triệu chứng lâm sàng để xử lý, dùng hóa chất để phun tiêu độc chuồng trại cho các hộ chăn nuôi heo, xử lý xác heo đã bị chết hoặc quá yếu. Ngừng mua bán, trao đổi và vận chuyển heo sang các địa phương khác để phòng tránh bệnh lây lan ra diện rộng, tiêm phòng vaccine bao vây ổ dịch.

Cần sát trùng từng nốt đậu hay vùng da có nốt đậu bằng cách lấy bông khô tẩm thuốc sát trùng hoặc dung dịch thuốc tím. Sau đó xử lý chúng bằng cách bôi Iodine 5%, Xanh Methylen 10%, KMnO4 1‰… Mỗi ngày bôi 2 lần, bôi liên tục trong 3 – 5 ngày.

Nếu heo sốt cao phải tiêm ngay một trong các loại thuốc sau:

– Vidan-T: 1 ml/10 kg P/lần, tiêm 2 lần/ngày;

– Flodovet: 1 ml/10 kg P/lần, tiêm 2 lần/ngày;

– Ceftiofur: 1 g/300 kg P/lần, tiêm 2 lần/ngày.

Dùng thuốc liên tục 3 ngày.

>> Virus đậu heo phát triển được và tạo nên bệnh tích tế bào (CPE) chỉ trong môi trường nuôi cấy tế bào thận heo, tế bào não và phôi thai của heo. Chúng không thể phát triển được ở trong các môi trường nuôi cấy lấy từ thận, não, phổi của động vật khác. Đây chính là đặc điểm sinh học nổi bật để phân loại và giám định virus đậu heo.

Lê Loan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *