Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp

Giá thức ăn tăng cao trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu và khó tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… khiến nông dân tại nhiều địa phương rơi vào cảnh khó khăn. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.

Những ngày này, ông Phạm Văn Hải, thôn Tân Cương, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch như "ngồi trên đống lửa" bởi đàn lợn đã đến kỳ xuất bán nhưng không có thương lái về thu mua.

Trang trại rộng hơn 10.000 m2 của gia đình ông Hải hiện đang nuôi hơn 200 con lợn nái và hơn 2.000 lợn thịt.

Từ cuối tháng 4 đến nay, do dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương, lái xe phải thực hiện test Covid-19 thường xuyên, việc vận chuyển khó khăn nên giá lợn hơi giảm sâu xuống còn 53- 57 nghìn đồng/kg.

Với mức giá này, ông Hải tạm hòa vốn. Thế nhưng, từ ngày 24/7 đến nay, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, thương lái tại huyện Mê Linh cũng phải tạm dừng mọi hoạt động thu mua, giá thịt lợn dù giảm xuống mức kỷ lục còn 51- 52 nghìn đồng/kg (thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây) song vẫn không xuất bán được, khiến những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn như gia đình ông Hải phải "bấm bụng" chịu lỗ bởi với giá cám tăng cao như hiện nay, chi phí duy trì đàn lợn lên tới cả trăm triệu đồng mỗi ngày.

Giá lợn hơi giảm xuống mức kỷ lục, việc tiêu thụ khó, nhiều hộ chăn nuôi phải treo chuồng (Ảnh chụp tại trang trại nuôi lợn xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường)

6 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; năng suất, sản lượng các cây trồng chủ yếu đều tăng. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn phục hồi tốt, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, sữa bò… đều tăng khá so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 tái bùng phát, do khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên giá nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh. Đặc biệt, giá thịt lợn xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng, tìm cách "treo chuồng".

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trong tỉnh và tại các địa phương trên cả nước; đồng thời, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò; cúm gia cầm (CGC); lở mồm long móng (LMLM)… luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; giá thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ… đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình SXKD, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thu nhập của nông dân tại nhiều địa phương.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng nguyên liệu có quy mô lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng được yêu cầu còn hạn chế.

Sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là sản phẩm tươi sống, việc áp dụng công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản quy mô còn nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.

Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra chậm; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít, đặc biệt là lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản.

Thị trường tiêu thụ đối với một số nông sản còn nhiều khó khăn, chủ yếu là thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận; giá cả không ổn định…

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, ngành Nông nghiệp đề nghị chính quyền địa phương các cấp tăng cường kiểm tra, chỉ đạo sản xuất.

Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thị trường, làm cơ sở tính toán cho việc phát triển đàn nuôi hợp lý, tránh xảy ra hiện tượng cung vượt quá cầu.

Quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh: DTLCP, LMLM, CGC…

Phối hợp với ngành Công thương, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả, cung – cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản) để cân đối, đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo hình thức bán hàng online.

Phối hợp với các sở, ngành chức năng tích cực nắm bắt tình hình SXKD để đề xuất các giải pháp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, HTX, nông dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kiểm soát tốt vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý; ngăn chặn nguồn thực phẩm nhập lậu trái phép có giá rẻ gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, đưa nông sản vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản, vận động nhân dân tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh.

Hồng Nhật

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *