Trang trại chăn nuôi trên vùng đồi Hướng Tân

Từ kiến thức tích lũy được, cùng với kinh nghiệm thực tế trồng trọt, chăn nuôi của gia đình và học hỏi thêm ở những mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng, anh Trần Đức Thụ (sinh năm 1998), Bí thư Chi đoàn thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp bài bản, có quy mô. Chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/năm.

Ngay từ nhỏ, anh Thụ đã có niềm đam mê rất lớn với sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, ngay từ khi còn học phổ thông, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng (Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh), Thụ đăng ký tham gia Đội Thanh niên tình nguyện của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337. Trong thời gian này, anh cùng các thành viên trong đội tích cực về các bản làng vùng khó khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, giúp người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh, phát quang đường làng, ngõ xóm, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, khắc phục hậu quả thiên tai… Năm 2018, Thụ hoàn thành chương trình tình nguyện, không để thời gian trôi qua một cách vô ích, anh về nhà phụ bố mẹ làm ăn.

chăn nuôi thỏ

Mô hình trang trại chăn nuôi của anh Thụ (bên trái) cho thu nhập cao – Ảnh: M.L

Nhận thấy khí hậu, đất đai ở Hướng Linh khá thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, hơn nữa gia đình lại có sẵn khu vườn rộng rãi và trên 1 ha cà phê chè catimor, Thụ ấp ủ kế hoạch xây dựng trang trại tổng hợp. Được sự động viên, hỗ trợ của bố mẹ, anh dùng số tiền tích cóp được và vay thêm vốn xây dựng trang trại chăn nuôi. Theo kế hoạch, trang trại sẽ quy hoạch theo hướng đa con, vật nuôi chủ yếu là dê, gà, ngan và thỏ. Riêng gà sẽ được thả nuôi trong vườn cà phê để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên mà chất lượng thịt sẽ ngon hơn. Trên diện tích đất vườn rộng rãi, thoáng đãng, anh thiết kế xây dựng các khu vực chuồng trại tách biệt cho từng loại vật nuôi một cách khoa học để thuận tiện trong việc chăm sóc cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, anh trồng thêm các loại rau như cải, khoai lang…để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Chăm sóc các loại vật nuôi với số lượng lớn để đảm bảo phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao là một công việc khó khăn, nếu không am hiểu và chăm sóc kỹ thì rất dễ bị bệnh, nhất là đối với thỏ. Chính vì thế, anh Thụ vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và nghiên cứu qua sách vở, internet về kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, nguồn thức ăn, điều kiện chuồng trại, tiêm phòng, xử lý môi trường… Gà và ngan giống được anh lựa chọn kỹ càng về nguồn gốc, chất lượng và tiêm phòng đầy đủ trước khi nhập về trang trại, riêng đối với thỏ thì anh chủ động được nguồn con giống, đảm bảo được chất lượng con giống tại chỗ, phòng ngừa dịch bệnh từ bên ngoài. Sau 3 năm triển khai mô hình, đến nay trang trại chăn nuôi tổng hợp của Thụ đã dần mở rộng quy mô. Tổng đàn gà hiện có hơn 2.000 con, được nuôi nhốt kết hợp thả vườn nên phát triển rất tốt, mỗi năm cho xuất chuồng 4 – 5 đợt. Đàn ngan hơn 3.000 con, thỏ trên 1.000 con, hai loại vật nuôi này bình quân mỗi năm xuất chuồng 5 đợt.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của trang trại luôn ổn định. Trừ chi phí, mỗi năm anh Thụ có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng. “Thời gian đầu mới làm trang trại tôi phải túc trực thường xuyên để theo dõi đàn vật nuôi. Mỗi loại con nuôi có cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh khác nhau, do đó, tôi phải theo dõi kỹ lưỡng để nắm được sự phát triển của chúng, có hướng xử lý kịp thời nếu không may xảy ra dịch bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, đúc rút kinh nghiệm chọn giống như thế nào cho phù hợp trong quá trình tái đàn, phát triển đàn. Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu để mở rộng trang trại phù hợp, bài bản hơn, đặc biệt là xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi gà và thỏ nhằm tận dụng hết lợi thế về đất vườn thả gà cũng như nguồn thức ăn cho vật nuôi từ cây trồng trong vườn nhà”, anh Thụ chia sẻ.

Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình, với tư cách là bí thư chi đoàn thôn, anh Thụ luôn xông xáo trong các hoạt động, phong trào của thanh niên, nhất là phong trào lập thân, lập nghiệp; cùng với những đoàn viên, thanh niên có mô hình làm ăn mới, hiệu quả hướng dẫn, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên còn khó khăn… Với sự cần cù, sáng tạo, anh Thụ đã cùng gia đình tận dụng lợi thế địa hình để xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, tạo động lực cho nhiều thanh niên và người dân ở địa phương nỗ lực phấn đấu.

Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư cho biết: “Trần Đức Thụ là một cán bộ đoàn năng động, nhiệt tình trong mọi việc, đặc biệt là đi đầu ở xã vùng khó trong phát triển kinh tế bằng mô hình trang trại có quy mô. Mô hình của anh được Huyện đoàn lấy làm điểm để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn học tập và nhân rộng”.

Minh Long

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *