Triển khai kịp thời nội dung Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa ký ban hành Công văn số 1297/BNN-TY gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, nâng cao giá trị gia tăng, Bộ NN&PTNT đã chủ động, tích cực đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để ký “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine” vào ngày 12/12/2023 và “Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp” được Bộ NN&PTNT và Chính quyền Nhân dân khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc ký vào ngày 16/9/2023 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt phù hợp với Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong tháng 12/2023.

Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các Bản ghi nhớ nêu trên, đặc biệt xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 06/12/2023 và Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp có liên quan tại địa phương nghiên cứu kỹ nội dung của các Bản ghi nhớ và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, xây dựng vùng ATDB nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc. Tổ chức họp với các địa phương để thống nhất lựa chọn các vùng (cấp huyện). Trước ngày 10/3/2024 có văn bản gửi Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) đăng ký xây dựng vùng ATDB theo nội dung của Bản ghi nhớ nêu trên để phục vụ xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc.

an toàn sinh học

Trang trại được nuôi theo hướng an toàn sinh học ở Bắc Giang. Ảnh: ST

Bên cạnh đó, tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật. Ưu tiên bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai kịp thời, có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, lưu ý bố trí kinh phí tổ chức triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh, tiêm vaccine phòng các bệnh, bảo đảm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng, đặc biệt đối với vùng ATDB dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc phải bảo đạt trên 95%.

 Xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật: Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030”. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật, đặc biệt xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín, vùng chăn nuôi ATDB theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, bảo đảm yêu cầu ATDB, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu của Trung Quốc.

Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương để tổ chức tốt, có hiệu quả: Kế hoạch an toàn sinh học; Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Xây dựng vùng, cơ sở ATDB; Tiêm phòng vaccine; Kế hoạch giám sát dịch bệnh; Giám sát an toàn thực phẩm; Thông tin, dữ liệu truy xuất nguồn gốc; Hệ thống quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.

Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y là đầu mối để trao đổi, thống nhất các nội dung kỹ thuật với cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức thực hiện nội dung của các Ban ghi nhớ nêu trên; tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các cơ sở, vùng ATDB đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Trung Quốc. Đàm phán, thống nhất các bước đánh giá, công nhận vùng ATDB và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. 

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng các mô hình chăn nuôi, khóa tập huấn theo chuỗi bảo đảm an toàn sinh học, ATDB… 

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *