Tín hiệu vui cho người chăn nuôi lợn

Từ đầu năm đến nay, cùng với giá cám được điều chỉnh giảm nhiều lần, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có sự phục hồi và tăng mạnh trong 1 tháng trở lại đây ở mức hơn 60 nghìn đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho người chăn nuôi lợn sau thời gian dài giá lợn hơi ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao.

Giá cám giảm, giá thịt lợn dần tăng

Theo ghi nhận từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá thịt lợn hơi liên tục tăng giúp người chăn nuôi lợn có lãi. Khảo sát tại một số địa phương trong tỉnh, hiện, giá lợn hơi được các thương lái thu mua ở mức dao động từ 60 – 63 nghìn đồng/kg.

Với mức giá này, theo nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi lợn, trừ các chi phí, trung bình mỗi con lợn cho thu lãi từ 1,5 – 1,8 triệu đồng.

Vừa xuất bán đàn lợn hơn 20 con với trọng lượng hơn 100 kg/con, anh Phan Văn Mạnh, thôn Quan Đình, xã Tam Quan (Tam Đảo) cho biết, sau một thời gian dài giá thịt lợn ở mức thấp, hiện, đàn lợn đã được thương lái thu mua với giá 60 nghìn đồng/kg.

Thêm vào đó, qua nhiều lần điều chỉnh, hiện, giá cám các loại đã giảm từ 25 – 40 nghìn đồng/bao, giúp các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ như gia đình anh giảm bớt chi phí đầu vào và có thêm động lực đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.

giá cám

Giá cám được điều chỉnh giảm khiến việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y của gia đình anh Nguyễn Văn Phú, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) khởi sắc hơn. Ảnh: Nguyễn Lượng

Anh Nguyễn Văn Phú, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tại chợ Tam Lộng, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) cho biết: Khoảng 1 năm trở lại đây, giá cám được điều chỉnh nhiều lần, giá lợn cũng dần nhích lên và giữ ổn định, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, nhờ đó, tình hình kinh doanh của cửa hàng khởi sắc hơn. Hiện, lượng cám bán ra mỗi tháng của cửa hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá thịt lợn hơi trung bình quý I/2024 trên cả nước cao hơn khoảng 5 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và hiện tại, người chăn nuôi lợn đang có lãi từ 5 – 6 nghìn đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng là do nguồn cung trong nước sụt giảm, bởi sau một thời gian dài giá lợn xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không mặn mà chăn nuôi và tái đàn; thêm vào đó, đàn lợn tại một số địa phương trên cả nước buộc phải tiêu hủy do bị dịch tả lợn châu Phi.

Giữ ổn định sản xuất

Việc giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh giảm liên tục cộng với giá bán các sản phẩm chăn nuôi lợn tăng và duy trì ở mức ổn định được xem là tín hiệu tích cực thúc đẩy chăn nuôi lợn của tỉnh phát triển.

Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, chăn nuôi lợn thuận lợi hơn khi giá xuất chuồng lợn hơi đang ở mức cao.

Chỉ tính riêng tháng 4/2024, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh tăng 2,08% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,02%, trong đó, sản lượng thịt lợn hơi tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù giá cám đã giảm và giá lợn hơi tăng so với thời gian trước, song, nhiều hộ chăn nuôi lợn vẫn dè dặt tái đàn và duy trì với quy mô nhỏ bởi những biến động khó lường từ thị trường, giá cả chi phí đầu vào chăn nuôi ở trong nước vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát các loại dịch bệnh, nhất là chuẩn bị bước vào cao điểm mùa nắng nóng.

giá lợn hơi

Giá bán lợn hơi tăng giúp gia đình anh Phan Văn Mạnh, xã Tam Quan (Tam Đảo) có thêm động lực tái đàn trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trước những khó khăn dự báo có thể xảy ra, các hội và hiệp hội ngành hàng thuộc lĩnh vực chăn nuôi đã có kiến nghị tới Chính phủ cùng các bộ, ngành của trung ương xem xét, tháo gỡ một số bất cập, nhất là tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, giảm áp lực cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra của ngành Nông nghiệp tỉnh năm 2024, tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, các địa phương tăng cường kiểm tra, chỉ đạo sản xuất, tiếp tục triển khai thực hiện cơ cấu lại chăn nuôi; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, các nội dung chính sách dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại các Làng văn hóa kiểu mẫu và một số quy định mới của Bộ NN&PTNT trong lĩnh vực chăn nuôi.

Đồng thời thực hiện mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi lợn thịt năm 2024; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra… giúp ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, gia tăng thu nhập cho các hộ, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.

Lưu Nhung

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *