Phòng bệnh tụ huyết trùng ở ngựa

(Người Chăn Nuôi) – Tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trên gia súc, trong đó có ngựa. Bệnh thường rộ lên vào lúc giao mùa mưa, nắng nóng thất thường, hoặc chuyển vùng.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa do ngựa nuốt phải vi khuẩn có trong thức ăn và nước uống. Ngựa có thể bị lây bệnh khi được nhốt chung chuồng với trâu, bò hoặc ngựa bị bệnh tụ huyết trùng.

Ở nước ta, bệnh tụ huyết trùng xảy ra ở khắp các vùng, thường vào đầu mùa mưa, vùng sau lũ lụt (thường từ tháng 4 – 10).

 

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh: 2 – 4 ngày. Ngựa bệnh thể hiện các triệu chứng sau: Sốt cao 40 – 42°c liên tục trong 2 – 3 ngày, chảy nước mắt, nước mũi liên tục, hầu bị sưng, thở nhanh và thở khó tăng dần, ăn ít hoặc bỏ ăn, đầu cúi thấp và mắt đỏ ngầu, lờ đờ. Các trường hợp bệnh nặng, ngựa nằm bệt, không đứng dậy được.

Ngựa có thể bị chết sau 2 – 6 ngày nếu không được phát hiện sớm và điều trị. Có trường hợp ngựa bị chết đột ngột mà không thể hiện các triệu chứng của bệnh chỉ sau 1 ngày.

 

Bệnh tích

Mổ khám ngựa chết, thấy các phủ tạng như: Phổi, gan, lá lách, thận, các hạch lâm ba đều bị sưng và tụ máu màu đỏ sẫm. Đặc biệt màng bao tim có màu vàng.

Phòng chẩn đoán thú y tỉnh sẽ giúp cho địa phương xác định vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, nếu địa phương báo cáo và gửi bệnh phẩm đến.

 

Điều trị

Pasteurella mẫn cảm đối với một số kháng sinh như Streptomycine (và phối hợp với Penecilline); Gentamycine; Ampicilline; Tetracycline; Enrofloxacine; Thiamfenicol… Hai loại thuốc này (strep và peni) nên tiêm riêng, không nên tiêm chung một lần, vì một loại có tính axit, một loại có tính kiềm nên trộn lẫn trong một sơ ranh thuốc sẽ giảm tác dụng. Ngoài ra còn có thể dùng thuốc Cefalosporin (thuốc nhân y). Tuy nhiên do bệnh diễn biến nhanh nên chỉ điều trị có hiệu quả cao khi sử dụng kháng sinh sớm, đủ liều, đủ liệu trình và kết hợp với thuốc hạ sốt, trợ sức. Đồng thời phải tăng cường quản lý, chăm sóc và bồi dưỡng tốt cho gia súc bệnh.

Thuốc điều trị: Dùng phối hợp Streptomycine theo liều 30 mg/kg thể trọng ngựa và Tiamulin với liều 0,1 ml cho 10 kg thể trọng ngựa. Dùng thuốc liên tục 6 – 7 ngày, sau đó nghỉ. Nếu ngựa còn ho và thở khó thì sau 6 ngày dùng thuốc đợt 2 giống như đợt đầu.

Dùng thuốc làm giảm các cơn ho và khó thở: Tiêm Êphêdrin cho ngựa với 5 – 8 ml/ngày (mỗi ống thuốc có 1 ml).

Dùng thuốc trợ sức: Tiêm cafêin hoặc long não nước, Vitamin C, Vitamin B1, truyền dung dịch sinh lý mặn (90o/oo) và sinh lý ngọt 5% theo liều 1.000 ml/kg thể trọng ngựa/ngày.

 

Phòng bệnh

Chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm để cách ly và điều trị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp để khống chế, bao vây, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc khử trùng. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh nhất là trong lúc giao mùa và thời gian bị ngập lũ.

Tiêm phòng: Biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát bệnh là tiêm vaccine hàng năm (6 tháng một lần) cho các đàn gia súc, để gia súc có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể gia súc gây bệnh. Phát hiện sớm ngựa bệnh, cách ly, điều trị kịp thời cho đến khi khỏi bệnh. Đảm bảo chuồng ngựa kímh ấm vào mùa đông thoáng mát vào mùa hè. Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt ngựa để nâng cao sức đề kháng với bệnh.

Khi có dịch xảy ra phải phát hiện kịp thời gia súc ốm để cách ly điều trị, tránh làm lây lan bệnh, công bố dịch, cấm không cho vận chuyển và mổ thịt. Ngựa chết phải chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn. Toàn bộ chuồng trại, bãi chăn phải được vệ sinh, tẩy uế và trống chuồng, bãi chăn thả triệt để. Đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *