Nuôi rắn ri voi chi phí thấp, lợi nhuận cao

Nhờ đam mê, ham học hỏi và kiên trì, ông Hồ Ngọc Khởi (Khóm 6, phường Tân Thành, TP Cà Mau) đã thành công với mô hình nuôi rắn ri voi (rắn ri tượng), giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

4 năm trước, thấy người bà con nuôi rắn ri voi rất hiệu quả, ông Khởi nảy sinh ý định nuôi thử nghiệm rắn ri voi và ri cá. Nghĩ là làm, ông mua hơn 130 rắn con với giá 15 triệu đồng và xây 1 bể xi-măng để thả nuôi. Ông Khởi cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi rắn 4 năm nay. Ðể mô hình thành công như hôm nay, tôi và gia đình phải bỏ ra 2 năm đầu để tìm tòi, nuôi thử nghiệm. Qua năm thứ 2 rắn bắt đầu sinh sản, từ đó tôi bán được rắn con, có thu nhập”.

Sau thời gian mày mò với mô hình nuôi rắn ri voi, ông Khởi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, đặc biệt là kỹ thuật cho rắn sinh sản. Từ tín hiệu tích cực ban đầu, ông xây thêm 1 bể xi-măng, phân nhiều ô tách riêng rắn sinh sản, rắn con để tránh bị xung đột.

Ông Hồ Ngọc Khởi (bên phải) thường xuyên kiểm tra bể nuôi rắn.

Theo ông Khởi, bí quyết quan trọng nuôi rắn thành công là tạo môi trường nuôi bán hoang dã, mặt ao mát mẻ và yên tĩnh để rắn có nơi ẩn trú (như để dây ni-lông, lá dừa rồi thả rắn vào nuôi).

Khâu cho ăn và chăm sóc rắn cũng khá đơn giản. Rắn ri voi thích ăn thức ăn động như cá trê phi con, khi rắn lớn thì cho ăn cá phi, cá tạp… Mỗi ngày cho rắn ăn 1 lần. Nếu nuôi trong môi trường nước tốt và dinh dưỡng đầy đủ thì sau 1 năm rưỡi, rắn đạt trọng lượng hơn 1 kg/con và sau 2 năm sẽ bắt đầu sinh sản.

Về phối giống để rắn sinh sản, ông Khởi cho rắn giao phối từ đầu mùa mưa. Khoảng tháng 5-7 âm lịch, chọn con giống bố mẹ trước khi cho rắn phối giống, nhốt chung tỷ lệ 3 cái và 1 đực. Mỗi năm rắn cái đẻ 1 lần, mỗi lần từ 10-25 con. Ðối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2 kg có thể đẻ 30-40 con/lứa.

Sau 4 năm gây dựng, hiện ông Khởi duy trì được 2 bể xi-măng với số lượng gần 200 con rắn giống và thường xuyên có hơn 300 rắn con. Ông chủ yếu xuất bán rắn con cho bà con trong vùng, giá bán 50.000 đồng/con. Mỗi năm từ việc bán rắn mang về cho ông Khởi khoản thu nhập khá.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành Phan Minh Thuý cho biết: "Mô hình nuôi rắn của ông Khởi rất hiệu quả. Ðây là vật nuôi thay thế triển vọng khi vật nuôi chủ lực như cá chình, cá bống tượng bị rớt giá”.

Mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Hồ Ngọc Khởi đã thành công với mô hình nuôi rắn ri voi trong bể xi-măng. Ðây là mô hình dễ thực hiện, chỉ cần diện tích nhỏ, chi phí thấp nhưng cho lợi nhuận khá cao, phù hợp với hộ ít đất sản xuất ở nông thôn./.

Bích Lệ

Nguồn: Báo Cà Mau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *