Hợp tác chăn nuôi vịt hiệu quả gắn với đảm bảo môi trường bền vững

Vịt siêu thịt, giống vật nuôi nhanh lớn, mau xuất chuồng đang là một trong những lựa chọn của người nông dân. Và nhiều nông hộ vùng xa Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã hợp tác, thành lập tập thể để cùng chăn nuôi hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định và đảm bảo môi trường bền vững.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng – Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp nuôi vịt ở xã Liên Hà, huyện Lâm Hà là một trong những nông hộ nuôi vịt từ rất sớm trên địa bàn. Nhiều năm nay, anh chăn nuôi vịt thương phẩm và chủ yếu chọn giống vịt Grimaud, loại vịt trắng nhanh lớn, tỷ lệ thịt nạc cao, được thị trường ưa chuộng. Anh Hùng chia sẻ, vịt Grimaud giống được nhập về mới 1 ngày tuổi. Nuôi đúng kỹ thuật, chỉ 45 – 50 ngày tuổi là vịt đạt trọng lượng 3,5 – 3,7 kg/con. Tùy vào giá thịt trên thị trường mà bà con xuất bán, thời điểm hiện tại vịt đang có giá 50 – 52 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, tính toán từ giống, vaccine, thức ăn, vitamin cho vịt, theo anh Hùng chỉ cần bán ở giá 40 ngàn đồng/kg là bà con bắt đầu có lợi nhuận.

nuôi vịt gắn bảo vệ môi trường

Nông hộ xã Liên Hà cho vịt ăn

Tương tự với anh Nguyễn Mạnh Hùng, anh Nguyễn Hữu Tuyến thôn Tân Kết, xã Liên Hà cũng học theo bà con nuôi vịt Grimaud. Nuôi sau, anh rút kinh nghiệm từ các hộ đi trước, làm chuồng trại cách li khỏi mặt đất. Anh Tuyến cho biết, vịt Grimaud cần nuôi trong nhà kính, được che mưa, che nắng. Trước kia, bà con thường làm nhà kính và nuôi vịt ngay trên sàn trải trấu. Còn hiện tại, các nông hộ nuôi vịt chọn cách làm sàn nhựa, cách li vịt khỏi mặt đất để đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh kể lại: “Năm 2020, tôi bắt đầu nuôi vịt, lúc ấy làm chuồng này hết 170 triệu/270 m2. Bắt vịt về nuôi chỉ cần 2 – 3 lứa, giá vừa phải là hòa vốn làm chuồng. Vì vậy, gia đình vẫn chăm chỉ nuôi vịt, dù có thời điểm khó khăn, giá cám cao, giá vịt thấp khiến nông dân rất vất vả, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 cao điểm. Giai đoạn này nhìn chung đã tốt hơn, giá cám vừa phải, thị trường ổn định nên bà con có lời ít nhiều”. Hiện tại, bà con lời chừng 30 – 35 ngàn đồng/con vịt, càng nuôi nhiều càng cho thu nhập cao.

Hiện, tổ hợp tác đang có 22 thành viên, tổng đàn 40 ngàn con, thu hút hầu hết các hộ nuôi vịt Grimaud trong xã. 

Học theo nhau, các hộ xung quanh nhà anh Tuyến cũng làm chuồng nuôi vịt. Và từ phong trào nuôi vịt của Liên Hà, Tổ hợp tác nuôi vịt ra đời. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên có kinh nghiệm, có kỹ thuật được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Anh Hùng kể, tổ được thành lập năm 2020. Ban đầu, nhiều bà con còn băn khoăn về kỹ thuật, bệnh của vịt, đầu ra… Được các thành viên hướng dẫn, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi vịt với các kỹ thuật tiến bộ nhất. Vịt sinh trưởng rất nhanh, chỉ 2 tháng/lứa nên bà con cũng mau quay vòng vốn, là vật nuôi phù hợp với những vùng như Liên Hà, nơi chăn nuôi kết hợp với trồng trọt.

Hiện, tổ hợp tác đang có 22 thành viên, tổng đàn 40 ngàn con, thu hút hầu hết các hộ nuôi vịt Grimaud trong xã.

Tham gia tổ hợp tác, bà con chia sẻ với nhau từ nguồn giống, cám, thuốc. Thường các hộ trong tổ cùng bàn về thời điểm nhập giống, nhập cám vì nhập ít có giá khác với nhập nhiều, nhập tập trung sẽ giúp giảm chi phí khá lớn. Khi xuất chuồng cũng tương tự, một vài nhà tập trung đủ số lượng vịt để thương lái tới cân sẽ dễ tiêu thụ hơn nếu chỉ 1, 2 hộ đơn lẻ. Càng nhiều nông hộ tham gia tổ hợp tác, việc chăn nuôi càng thuận lợi hơn, nhất là trong khâu cung ứng đầu vào cũng như bán vịt.

Một trong những vấn đề quan trọng bà con trong tổ hợp tác hướng dẫn nhau là nên làm chuồng chuẩn, nuôi vịt trên sàn lưới nhựa, cách li khỏi mặt đất. Anh Hùng nhận xét: “Trước, thường trải trấu trên mặt đất nuôi vịt, vịt đi vệ sinh trộn lẫn nên hay bệnh. Giờ nuôi sàn, bà con nhắc nhau dọn vệ sinh mặt đất hàng ngày là chuồng nuôi sạch sẽ, không có mùi hôi, không ảnh hưởng tới môi trường và có lượng phân hữu cơ bón cho cây cà phê”. Theo anh Hùng, khi chăn nuôi phát sinh khó khăn là thường có mùi, gây ô nhiễm không khí cho người xung quanh. Vì vậy, chăn nuôi đúng chuẩn, dọn vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ môi trường là điều các thành viên luôn phấn đấu.

Ông Bùi Thế Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà đánh giá, Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Liên Hà là một tổ hợp tác hoạt động hiệu quả với những thành viên tích cực. Thành viên đã chia sẻ kỹ thuật, chia sẻ nguồn giống, nguồn cám giá tốt, đồng thời, nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh môi trường. Hợp tác cùng sản xuất một giống cây trồng, vật nuôi, đạt sản lượng lớn chính là mục tiêu Hội hướng tới nhằm tăng sức cạnh tranh cho người nông dân trên thị trường.

Diệp Quỳnh

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *