Hỗ trợ nông dân tái đầu tư chăn nuôi

Hiện nay, trên thị trường giá heo hơi tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Mức giảm sâu ghi nhận tại TP Cần Thơ, các tỉnh ÐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Vĩnh Long… vào giữa tháng 11 giá giảm còn 45.000 – 48.000 đồng/kg, dưới giá thành chăn nuôi. Với mức giá này, người chăn nuôi heo bị thua lỗ, gặp nhiều khó khăn khi tái đàn mới…

Chăn nuôi bấp bênh

Ðến giữa tháng 11/2021, ở TP Cần Thơ cũng như một số tỉnh khu vực ÐBSCL tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại và đang được các địa phương tập trung kiểm soát, dập dịch. Tuy nhiên, thời điểm này người dân nuôi heo cũng gặp thêm khó khăn, bởi heo tới lứa xuất chuồng nhưng giá bán heo hơi giảm sâu, thua lỗ nặng. Nhiều thương lái đến các huyện vùng ven TP Cần Thơ thu mua với giá từ 4,5 – 4,8 triệu đồng/tạ (100kg), thấp hơn giá thành chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Giá heo hơi xuống thấp, người chăn nuôi như chúng tôi mất công chăm sóc, nuôi dưỡng heo hơn 3 tháng trời mới xuất chuồng nhưng bị thua lỗ. Nuôi mấy con heo thịt để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình nhưng gặp tình trạng này xem như mất vốn, không còn khả năng tái đàn…”.

heo giống

Heo giống đang phát triển ở huyện Vĩnh Thạnh.

Theo hộ chăn nuôi heo, ngay từ đầu năm người dân nuôi heo đã tập trung tái đàn, đầu tư con giống, chăn nuôi heo thịt, heo giống mua giá cao, trên 2 triệu đồng/con (10 – 15 kg/con). Theo cán bộ thú y địa phương tính toán, để chăn nuôi heo phải có khoảng 2,4 kg thức ăn cho 1 kg heo hơi, mỗi con heo muốn nuôi đạt tạ thì phải mất khoảng 10 bao thức ăn (25 kg/bao, khoảng 5 triệu đồng). Do đó, với giá heo hơi xuống thấp, người chăn nuôi đang bị lỗ nặng.

Cũng theo hộ chăn nuôi heo, trong những tháng dịch bệnh COVID-19, đàn heo tới lứa bán, thương lái mua heo khó di chuyển về vùng nông thôn khiến bà con nuôi heo lúng túng vì không biết bán cho ai. Heo giảm giá dần, chưa tăng lên được thì đến nay giá heo hơi tiếp tục xuống thấp. Còn heo giống, thức ăn chăn nuôi ở mức giá cao, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tái đàn heo để bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới cũng lo ngại. Tuy vậy, ở TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long… còn có nhiều trại chăn nuôi heo quy mô tổng đàn lớn, chi phí chăn nuôi thấp vẫn còn cầm cự và hy vọng giá heo tăng lên vào dịp Tết Nguyên đán.

Những năm qua, ngành Thú y TP Cần Thơ chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, tái cấu trúc ngành chăn nuôi, dịch chuyển dần từ các quận về các huyện và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chăn nuôi của thành phố vẫn còn phát triển chậm so với tiềm năng, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… trên đàn vật nuôi và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

 

Tăng cường hỗ trợ

Ngành Nông nghiệp đã thực hiện giải pháp hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm… cho trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Qua đó đã hỗ trợ, xét tiêu chuẩn, chứng nhận VietGAHP cho 4 mô hình chăn nuôi heo, chăn nuôi vịt tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn; 3 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gồm: 1 chuỗi liên kết sản xuất sữa bò tươi, sản lượng 2.000 tấn/năm; 1 chuỗi liên kết sản xuất thịt heo, sản lượng 50 tấn/tháng; 1 chuỗi cung ứng trứng vịt muối phục vụ cho xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ 9,6 – 9,8 triệu quả/năm… Về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, thành phố hiện có 2 cơ sở sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là Công ty TNHH Vân Anh Nguyễn và Xí nghiệp chế biến thực phẩm Meko. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là trứng vịt muối và lòng đỏ trứng vịt muối, với sản lượng tiêu thụ khoảng 15 – 20 triệu quả/năm, thị trường tiêu thụ là Hồng Kông, Singapore… và bán nhỏ lẻ tại địa phương.

Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: Hiện thành phố đang thực hiện kế hoạch tái đàn heo, gà, vịt phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới. Qua đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo phát triển đàn heo, đàn gà, đàn vịt và bò thịt chất lượng cao theo hướng tăng quy mô đàn và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống; có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng. Dự kiến, nhu cầu thực phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới của toàn thành phố khoảng 8.400 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó: thịt trâu, bò 150 tấn; thịt heo 6.200 tấn; thịt gia cầm 2.050 tấn; trứng gia cầm 15 triệu quả. Ðối với sản phẩm gia súc thành phố có khả năng cung ứng khoảng 70% nhu cầu dự kiến; sản phẩm gia cầm, cung ứng khoảng 78% nhu cầu; trứng gia cầm, cung ứng khoảng 80%. Ðể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết, TP Cần Thơ cần nhập khoảng 1.900 tấn sản phẩm gia súc (chiếm khoảng 30%) và 450 tấn thịt gia cầm (chiếm khoảng 22%), 3 triệu quả trứng (chiếm khoảng 20%), sản phẩm chủ yếu được nhập từ các tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang,…

Nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản, gia súc, gia cầm thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển đàn heo, đàn gà, đàn vịt và bò thịt chất lượng cao theo hướng tăng quy mô đàn và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống; dịch chuyển dần chăn nuôi từ các quận về các huyện; chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn và đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, đối xử nhân đạo với vật nuôi, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thấp nhất giá thành chăn nuôi… Thành phố hình thành các mô hình chăn nuôi tiên tiến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói riêng và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung…

>> Theo thống kê của ngành Thú y TP Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình chăn nuôi của thành phố phát triển ổn định. Trong đó, tổng đàn heo đạt 128.882 con, đạt 99,1% so với kế hoạch, tăng 8,9% so với cùng kỳ; đàn trâu 284 con; đàn bò 4.214 con, đạt 87,8% so với kế hoạch, giảm 10% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 1.921.729 con, đạt 98,6% so với kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng, tổng sản lượng thịt gia súc 27.472 tấn, đạt 89% kế hoạch, tăng 39% so với cùng kỳ; thịt gia cầm 9.374 tấn, vượt 17% kế hoạch, giảm 17,7% so với cùng kỳ; sản lượng trứng 79.118.900 quả, đạt 85% kế hoạch, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Sản lượng chăn nuôi của thành phố cung ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường, phần thiếu hụt được cân đối nhập từ các tỉnh, thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng… Đến nay, TP Cần Thơ có khoảng 38.000 hộ và trang trại chăn nuôi, trong đó có 248 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (gồm 182 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn 29.809 con; 5 trang trại chăn nuôi trâu với tổng đàn 124 con; 49 trang trại chăn nuôi bò với tổng đàn 1.285 con; 9 trang trại chăn nuôi gà với tổng đàn 240.300 con; 3 trang trại chăn nuôi vịt với tổng đàn 42.000 con).

Bài, ảnh: Hà Văn

Nguồn: Báo Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *