Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong chuỗi sản xuất, kinh doanh gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Đây là chủ đề Hội thảo trong khuôn khổ dự án TRANSFORM do Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) và Công ty Ausvet phối hợp tổ chức ngày 26 – 27/8/2022 tại TP Hồ Chí Minh.

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch VIPA cho biết: “Mục tiêu chung của ngành gia cầm đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi sẽ là quy mô trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp; An toàn sinh học, ATTP, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; Đối xử nhân đạo với vật nuôi; Đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu”.

VIPA

TS. Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch VIPA phát biểu tại Hội thảo.

Về triển vọng, TS. Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết: Đến năm 2025, tổng đàn gia cầm đạt 600 – 630 triệu con; Thịt xẻ gia cầm 1,45 – 1,54 triệu tấn (tỷ lệ thịt gia cầm 26 – 28%); Trứng đạt 18 – 19 tỷ quả; Gia cầm được giết mổ tập trung 40% và chế biến 25 – 30%; Tiêu thụ thịt 14 – 15 kg/người, 180 – 190 quả trứng/người/năm. Đến năm 2030, tổng đàn gia cầm đạt 650 – 670 triệu con; Thịt xẻ gia cầm 1,88 – 1,95 triệu tấn; Trứng 18 – 19 tỷ quả; Gia cầm được giết mổ tập trung 50% và chế biến 40%; Tiêu thụ thịt xẻ 20 – 22 kg/người, 220 – 230 quả trứng /người/năm; Xuất khẩu 20 – 25% thịt, trứng. Đến năm 2045, chăn nuôi gia cầm trở thành ngành hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các công đoạn sản xuất; 100% gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp, trong đó 70% được sơ chế và chế biến công nghiệp, 30% sản phẩm gia cầm được chế biến sâu.

Ausvet

Ông Angus Cameron – Giám đốc Ausvet, trình bày về nền tảng tích hợp dữ liệu bảo mật PHaPIS.

Để đạt được mục tiêu trên, các nhà sản xuất và kinh doanh ngành hàng gia cầm Việt Nam rất cần theo kịp công nghệ tiên tiến, tối đa hóa tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản trị dữ liệu trong chuỗi sản xuất. Dự án TRANSFORM được phát triển trong bối cảnh Việt Nam “Ưu tiên ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào các ngành hàng sản xuất”. Đây là dự án 5 năm do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ(USAID) tài trợ, quản lý thực hiện bởi khối tư nhan, , Ausvet là 1 trong ba công ty chịu trách nhiệm quản lý triển khai dự án ở Việt Nam. Mục tiêu của dự án là Hạn chế tình trạng kháng thuốc  (AMR), phòng chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người (Zoonoses) và các bệnh động vật xuyên biên giới (TADs) nhằm cải thiện an ninh y tế toàn cầu và an ninh thực phẩm; tăng cường khả năng của cơ quan chính phủ, các đơn vị chăn nuôi, và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi liên quan trong việc xác định, phòng ngừa và đáp ứng các mối nguy cơ; phát triển các giải pháp thị trường có tính bền vững.

Ông Angus Cameron, Giám đốc Ausvet, cho biết: “Ausvet sẽ dùng kinh nghiệm chuyên môn về dịch tễ để phát triển các công cụ thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu nhằm cải thiện khả năng quản lý chăn nuôi, phòng ngừa và giám sát dịch bệnh của các đơn vị chăn nuôi thương mại và các hộ chăn nuôi nhỏ. Hai nước trọng tâm của Ausvet trong dự án TRANSFORM là Việt Nam và Indonesia”.

VIPA

Các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Theo đó, Công ty Ausvet sẽ hợp tác với các nhà chăn nuôi sản xuất quy mô lớn và các tập đoàn đa ngành để tận dụng tối đa giá trị cơ sở dữ liệu của các công ty nhằm tăng hiệu quả quản lý sức khỏe vật nuôi và dịch bệnh, giúp các trại/hộ chăn nuôi và giới chuyên môn hỗ trợ tăng cường khả năng giám sát dịch bệnh trong và ngoài trại/hộ chăn nuôi bằng cách phát triển hệ thống thu thập – quản lý – xử lý thông tin dữ liệu hiệu quả, phát triển công cụ chẩn đoán và điều trị lâm sàng cho vật nuôi để cải thiện công tác quản lý và sử dụng kháng sinh thích hợp khi không có sự hỗ trợ thú y chuyên nghiệp. 

VIPA và Ausvet

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam và Công ty Ausvet chụp ảnh lưu niệm.

Ông Angus cũng trình bày về một nền tảng tích hợp dữ liệu bảo mật – PHaPIS. Nền tảng này sẽ dự đoán sự cố dịch bệnh trong tương lai; dựa vào dữ liệu thực trong việc đưa ra quyết định nhằm tối đa hoá năng suất và tối ưu hoá sức khoẻ vật nuôi; so sánh năng suất chăn nuôi trang trại với tiêu chuẩn chung của ngành với dữ liệu sâu sát hơn; cảnh báo sớm dịch bệnh một các hệ thống, đưa ra các nhận định về tình hình dịch bệnh trong; chứng thực đáp ứng tiêu chuẩn như bảo đảm điều kiện cho thị trường xuất khẩu; thúc đẩy sự thay đổi và minh bạch trong chuỗi ngành hàng. Ngoài ra, ông cũng giới thiệu Bác sỹ BAYES – một công cụ hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng dành cho nhân viên thú y, và người chăn nuôi ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Ở giai đoạn tiếp theo, Công ty Ausvet sẽ làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất chăn nuôi và các tập đoàn đa ngành nhằm đánh giá nhu cầu thực tế và khả năng của họ trong công cuộc chuyển đổi số, trước khi tiến hành thử nghiệm các công cụ thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu trên nền tảng số.

Linh Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *