Hậu Giang: Quan tâm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Từ đó, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất và vượt qua khó khăn.

Theo thống kê, tổng đàn heo trong tỉnh hiện có trên 143.000 con; đàn gia cầm có trên 4,34 triệu con. Lĩnh vực chăn nuôi gia cầm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đàn thủy cầm phát triển khá ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ. Giá một số sản phẩm chăn nuôi trên đà phục hồi. Cụ thể, giá heo hơi trung tuần tháng 8 dao động từ 61.000-64.000 đồng/kg. Còn giá trứng gia cầm giữ mức từ 2.500 – 2.600 đồng/trứng.

Chị Lê Thị Kim Ngân, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: May mắn là từ đầu năm nay, khi chuyển đổi từ nuôi heo sang nuôi gia cầm, giá sản phẩm bán ra được khá cao, nhờ vậy mình cũng có thêm động lực để phát triển đàn vật nuôi, cải thiện kinh tế gia đình.

Dù vậy, giá thức ăn chăn nuôi đến nay vẫn chưa có sự sụt giảm. Qua rà soát của đơn vị chuyên môn, nếu tính từ cuối năm 2021 đến nay, các công ty đã có 4 – 5 lần điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, mỗi lần điều chỉnh tăng trung bình từ 10.000-12.000 đồng/bao. Đây là áp lực lớn cho người chăn nuôi trong thời gian dài.

gia cầm

Người chăn nuôi cần chú ý phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa.

Bà Nguyễn Thành Y, người dân ấp 6, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cho biết: “Sau những lần thức ăn chăn nuôi tăng giá tôi vẫn duy trì chăn nuôi heo nhưng giảm số lượng khoảng 50%. Để tiết kiệm chi phí trong thời gian này, thay vì cho heo ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, tôi chịu khó cho nấu tấm cám cho ăn độn thêm. Mặt khác, tôi cũng nuôi thêm 4 con heo nái để vừa bán con giống, vừa có nguồn giống mình gây nuôi tái đàn cho đợt Tết Nguyên đán tới. Dù giá heo hơi hiện nay có tăng, nhưng vẫn chưa có lời do chi phí thức ăn vẫn giữ mức cao”.

Mặt khác, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, bởi trên địa bàn tỉnh chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 70%, khâu đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học triệt để vẫn chưa thật sự đảm bảo. Vào cao điểm mùa mưa, nhiệt độ thay đổi thường xuyên nên sức đề kháng của vật nuôi cũng phần nào bị ảnh hưởng. Do vậy, đòi hỏi người chăn nuôi phải áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Khâu tiêm phòng bệnh và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại được khuyến cáo thực hiện thường xuyên cũng giúp ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Ông Hồ Văn Tâm, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi nuôi đàn gà gần 400 con, số lượng khá nhiều nên làm chuồng nuôi nhốt và cẩn thận tiêm phòng bệnh. Vào mùa này nắng mưa đan xen, tôi thường xuyên sát trùng, khử khuẩn, rải vôi bột quanh khu vực nuôi nhốt. Ngoài đợt tổng phun xịt khử trùng của cán bộ thú y 2 – 3 lần/năm, gia đình tôi luôn dự trữ thêm hóa chất để dành phun chuồng trại sau mỗi đợt nuôi mới. Lối ra vào chuồng trại, những chỗ ẩm thấp thì rải thêm vôi bột. Nhờ chăm sóc kỹ, cộng với tiêm phòng đủ liều, đúng bệnh nên hạn chế được dịch bệnh, gia đình có thêm nguồn thu khá”.

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là trong mùa mưa cần thực hiện đồng bộ từ khâu chăm sóc nuôi dưỡng đến công tác thú y để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Theo cơ quan chuyên môn, người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Hàng ngày, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ. Kiểm tra đàn gia súc, gia cầm thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Cách ly kịp thời và liên hệ với thú y địa phương để được hướng dẫn khi vật nuôi có những biểu hiện khác thường, nghi mắc bệnh truyền nhiễm.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, lưu ý: Trong chăn nuôi, khâu phòng chống dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu. Ngoài yếu tố về con giống, thức ăn, cần phải tiêm phòng đầy đủ bệnh, đúng liều trên các đối tượng vật nuôi. Sau mỗi đợt nuôi, bà con cần tiến hành vệ sinh tiêu độc, bỏ trống chuồng nuôi từ 10 – 15 ngày để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu mầm bệnh tại khu vực chuồng trại. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và những trại nuôi lớn phải chấp hành nghiêm các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, khi tái đàn cần khai báo với thú y cơ sở để được hướng dẫn cụ thể, giúp bà con đảm bảo quá trình chăn nuôi được an toàn.

Bài, ảnh: Ẩn Liên

Nguồn: Báo Hậu Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *