Góc Chuyên Gia: Phòng trị bệnh cầu trùng ở dê

(Người Chăn Nuôi) – Bệnh cầu trùng do các đơn bào ký sinh chủng Eimeria thường cư trú ở ruột non và gây bệnh ở dê con từ 3 tuần tuổi đến 5 tháng tuổi do khả năng miễn dịch còn yếu. Dê trên 6 tháng tuổi thường có khả năng miễn dịch tương đối với cầu trùng, tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào của dê khi khả năng miễn dịch bị suy yếu bởi một nguyên nhân nào đó như bị ốm do stress vận chuyển, thay đổi thức ăn, thời tiết…

Nguyên nhân và dịch tễ bệnh

Bệnh cầu trùng do các đơn bào ký sinh chủng Eimeria thường cư trú ở ruột non và gây bệnh ở dê con từ 3 tuần tuổi đến 5 tháng tuổi do khả năng miễn dịch còn yếu. Dê trên 6 tháng tuổi thường có khả năng miễn dịch tương đối với cầu trùng, tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào của dê khi khả năng miễn dịch bị suy yếu bởi một nguyên nhân nào đó như bị ốm do stress vận chuyển, thay đổi thức ăn, thời tiết…

Bệnh thường xuất hiện vào thời gian cai sữa, đặc biệt là ở dê con cai sữa đột ngột, không có sự chuyển tiếp thức ăn phù hợp trước khi cai sữa. Khi cho dê ăn thức ăn trên mặt đất cũng dễ bị nhiễm bệnh cầu trùng. Khi nhiễm bệnh, dê bị tiêu chảy kéo dài khoảng 2 tuần, tỷ lệ chết có thể tới 50% toàn đàn trong trường hợp bệnh xảy ra đột xuất ở cơ sở chăn nuôi thâm canh.

 

Triệu chứng

Bệnh ở thể cấp tính, dê có triệu chứng kém ăn, gầy yếu, đau bụng, kêu la, hay đứng lên và nằm xuống liên tục, phân dê lúc đầu nhão, sau loãng, có màu xanh hơi vàng, chuyển đến màu nâu, lẫn máu. Ở thể mãn tính, dê con sinh trưởng kém, giảm tăng khối lượng, phân nát. Trường hợp quá cấp tính do xuất huyết đường ruột có thể khiến dê chết đột ngột trước khi có dấu hiệu ỉa chảy hoặc đau bụng. Dê non, có thể chết do cầu trùng cấp tính trong vòng 1 – 2 ngày. Dê già hơn hoặc những dê có sức đề kháng cao thì có biểu hiện tiêu chảy, gầy yếu, giảm cân.

 

Phòng bệnh

Vệ sinh là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh cầu trùng ở dê. Thức ăn, nước uống cho dê cần đảm bảo chất lượng tốt. Đất, sàn chuồng và đệm lót chuồng không được ẩm ướt và cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Nên nuôi, nhốt dê ở nơi khô ráo, có ánh nắng mặt trời, tránh những nơi ẩm ướt, thiếu ánh sáng. Ngoài ra cần tránh gây các tác động đột ngột cho dê khi cai sữa. Có thể sử dụng các thuốc kháng cầu trùng trong thức ăn hoặc nước uống liên tục từ 2 tuần đến 5 tháng tuổi.

 

Trị bệnh

Sử dụng thuốc kháng sinh dòng Sulfonamides với liều phòng bệnh 50 g/tấn thức ăn, liều điều trị từ 60 – 280 mg/kg khối lượng cơ thể trong 4 – 5 ngày. Hoặc thuốc Toltrazuril với liều phòng bệnh 20 mg/kg khối lượng cơ thể uống 1 lần/3 – 4 tuần, liều điều trị 20 mg/kg khối lượng cơ thể, uống từ 3 – 5 ngày. Hoặc Diclazuril, liều phòng và trị bệnh 1 mg/kg khối lượng cơ thể.

Tuy nhiên, hầu hết các thuốc phòng trị cầu trùng chỉ có tác dụng ức chế sự sinh sản của cầu trùng chứ không thể tiêu diệt hết được mầm bệnh, do vậy người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho vật nuôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *