Góc Chuyên Gia: Phòng bệnh cho vật nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ và độ ẩm biến động mạnh làm gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, dễ mắc bệnh. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý chuồng trại, chăm sóc tốt vật nuôi.

PGS TS Lê Văn NămChuồng trại

Trong công tác thực hiện kế hoạch chăn nuôi an toàn sinh học, bên cạnh kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh thì kỹ thuật xây dựng cũng đóng một vài trò quyết định đến công tác phòng bệnh cho vật nuôi. Ðặc biệt, ở thời điểm giao mùa, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi, khí hậu thất thường, chuồng nuôi phải được tu sửa chắc chắn, phù hợp với hướng gió và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Ðiều kiện vệ sinh không đảm bảo, chuồng nuôi ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh và gây bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi phải thường xuyên phát quang xung quanh chuồng trại, khơi thông cống rãnh.

Chủ động nghe thông tin thời tiết để có kế hoạch cụ thể về che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn nước uống, kiểm tra hệ thống điện trong chuồng nuôi, kịp thời đối phó với những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn đột xuất trong ngày (những ngày nắng nóng thường kèm những cơn giông, lốc, mưa lớn vào buổi chiều rất đột ngột). 

Thời tiết càng nắng nóng, càng phải đảm bảo nghiêm ngặt vệ sinh cơ giới hàng ngày bằng cách dùng nước rửa chuồng trại và thay chất độn chuồng. Những ngày nắng nóng phun nước làm mát rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi đồng thời tăng số lần dùng nước phun rửa trong ngày (2 – 3 lần/ngày). Chuồng nuôi sạch sẽ làm một biện pháp làm mát cho con vật rất hiệu quả.

Ngoài ra, chủ hộ cần lưu ý định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng và khu vực xung quanh chuồng ít nhất là 1 lần/tuần bằng dung dịch Han-Iodine 10% hoặc Benkocid. Hàng ngày, vệ sinh chuồng và dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy định và có biện pháp xử lý khoa học, không gây ô nhiễm ảnh hướng tới môi trường.

 

Chăm sóc

Người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Ðối với những vật nuôi không phải điều trị bệnh bằng vaccine thì cần bổ sung các thuốc tăng đề kháng để đảm bảo vật nuôi có sức khỏe ổn định và có khả năng miễn dịch tốt.

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe của vật nuôi, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường như: sốt cao, ăn ít, bỏ ăn, sảy thai hoặc chết… cần nhanh chóng nhốt riêng sang khu vực cách ly và báo ngay cho cán bộ thú y để có những biện pháp can thiệp kịp thời, nhanh chóng, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Nếu có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột theo hướng dẫn của cơ quan thú y và tuyệt đối không được giết mổ, bán, vứt xác chết bừa bãi để tránh lây lan mầm bệnh.

PGS.TS Lê Văn Năm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *