Bà Rịa – Vũng Tàu: Xử lý tình trạng chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường

Từ phản ánh của người dân ấp Nghi Lộc (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) về tình trạng chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, đoàn liên ngành của huyện đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Mùi hôi thối bủa vây

Phản ánh tới Báo, nhiều hộ dân tại tổ 5 (ấp Nghi Lộc) cho biết, nhiều năm qua một số hộ dân ở ấp Nghi Lộc chăn nuôi heo với số lượng lớn trong khu dân cư. Mùi hôi từ chuồng trại phát sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của mọi người.

Ông Đ.V.M. (ngụ ấp Nghi Lộc) cho biết, chỉ cách khoảng 100 m đã có 3 hộ chăn nuôi heo với số lượng đàn khá lớn. Mỗi lần các hộ tắm cho heo và dọn chuồng đều khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Phân heo trong hầm chứa không được che đậy, có lúc tràn ra bên ngoài bốc mùi khắp khu dân cư. “Sống trong tổ dân cư, chúng tôi rất thông cảm cho việc sản xuất kinh tế của nhau. Tuy nhiên, ô nhiễm kéo dài và ngày càng nghiêm trọng khiến chúng tôi không chịu đựng được nữa, phải lên tiếng”, ông Đ.V.M. nói.

ô nhiễm môi trường nuôi heo

Đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận có phát sinh mùi hôi từ chuồng trại và khu vực xử lý nước thải của hộ bà H.T.S.

Tương tự, ông T.V.C. (ngụ ấp Nghi Lộc) cho biết, các hộ chăn nuôi heo trong khu dân cư có mật độ sinh sống đông càng khiến cho không khí thêm ngột ngạt. Mỗi lần người dân phản ánh lên chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi đều cam kết giảm đàn và xử lý để không gây ô nhiễm. Thế nhưng nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm mùi hôi phân heo do chăn nuôi vẫn tái diễn. “Mỗi lần có mưa hoặc hộ chăn nuôi dọn rửa chuồng là chúng tôi phải đóng chặt cửa nhà để tránh mùi phân heo bốc lên. Không khí bị ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhất là những người lớn tuổi”, ông T.V.C. than vãn.

Yêu cầu khắc mục mùi hôi

Từ phản ánh của người dân, ngày 23/10, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Châu Đức, gồm: Phòng TN-MT, Phòng NN-PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y, UBND xã Bình Giã đã kiểm tra các hộ chăn nuôi tại tổ 5 (ấp Nghi Lộc).

Tại hộ bà H.T.S., đoàn kiểm tra ghi nhận trong chuồng có 22 con. Tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 1 m3/ngày, thu gom xử lý qua hầm biogas 7 m3. Nước thải sau biogas chảy vào hầm lắng thể tích khoảng 12 m2 dạng hầm rút có xây thành xi măng. Tại thời điểm kiểm tra có phát sinh mùi hôi từ chuồng trại và khu vực xử lý nước thải. Công tác vệ sinh chuồng trại được thực hiện 2 lần/ngày.

Ô nhiễm môi trường nuôi heo

Sau khi bị đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở, hộ bà H.T.S. đã che đậy hầm chứa nước thải chăn nuôi để ngăn mùi hôi bốc lên.

Đoàn kiểm tra yêu cầu bà S. tăng cường vệ sinh chuồng trại, sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi để giảm thiểu mùi hôi, không xả thải nước sau biogas ra môi trường. Đồng thời, đề nghị không tăng đàn vượt quá quy mô nông hộ. “Gia đình chăn nuôi heo từ năm 2008, đây cũng là kế sinh nhai. Trước yêu cầu của đoàn kiểm tra, tôi sẽ nghiêm túc thực hiện, để việc chăn nuôi không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh”, bà S. nói.

Còn tại hộ ông L.H.H., có tổng đàn heo (thời điểm kiểm tra) là 22 nái và 60 heo con, trọng lượng khoảng 6 – 10 kg. Tổng diện tích chuồng trại khoảng 250 m2. Nước thải chăn nuôi phát sinh khoảng 1,5 m3/ngày. Phân heo được hộ chăn nuôi thu gom lưu trữ để tận dụng bón cây. Nước vệ sinh chuồng thu gom qua hầm biogas diện tích khoảng 18 m3 sau đó chảy qua 3 hầm lắng khoảng 7 m3/hầm. Cơ sở chưa tách nước mưa từ mái nhà, mái chuồng trại riêng khỏi khu vực xử lý nước thải. Tại thời điểm kiểm tra có phát sinh mùi đặc trưng từ chuồng trại và khu vực hầm chứa.

Đoàn kiểm tra đề nghị ông H. có lộ trình giảm đàn heo về quy mô nông hộ. Cải tạo hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi. Bố trí mương thoát nước mưa riêng biệt, sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi để giảm mùi. Thực hiện kê khai tổng đàn chăn nuôi tại xã theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hội, Chủ tịch UBND xã Bình Giã cho biết, trên địa bàn hiện còn một ít hộ nuôi heo, chủ yếu là những người lớn tuổi, người không có công việc làm. Ngoài công khai quy định về khu vực được chăn nuôi theo quy hoạch để người dân thực hiện, xã cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những hộ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. “Đối với các hộ chăn nuôi mà đoàn liên ngành vừa kiểm tra và yêu cầu ký cam kết, UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi và đi kiểm tra, nếu hộ nào không thực hiện theo đúng cam kết sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”, ông Hội nói.

Bài, ảnh: Mạnh Quân

Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *