Duy trì nuôi bò sữa tạo bước phát triển kinh tế

Ông Phạm Tấn Tài, sinh năm 1977, ấp Phú Thạnh, xã Phú Ngãi (nay là Phước Ngãi), huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) chăn nuôi bò sữa được 7 năm, tạo thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Ông Tài duy trì chăn nuôi bò sữa tạo tiền đề triển khai mô hình phát triển kinh tế khác của gia đình như: Bò sinh sản, bò đực nuôi bán thịt và nuôi dê hay sử dụng thức ăn tinh cho bò để nuôi cá.

Năm 2015, ông Tài tham gia Dự án bò sữa tỉnh của Tổ chức Heifer (DA) viện trợ nuôi 3 con bò sữa (2 con F2 mua ở Sóc Trăng với chi phí của gia đình và 1 con của DA). Ông xây dựng trại bò có diện tích 100 m2. Trước kia, ông nuôi 26 con bò sữa (14 con cho sữa, 9 con hậu bị và 3 bò tơ). Trung bình thu hoạch sữa được 200 kg/ngày, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ngày (giá 14 ngàn đồng/kg), 60 triệu đồng/tháng. Theo ông Tài, khi ấy thì mọi chi phí đầu tư chăn nuôi không ở mức cao như bây giờ nên người chăn nuôi bò sữa có được nguồn lãi cao.

nuôi bò sữa

Ông Phạm Tấn Tài bên đàn bò sữa của gia đình.

Hiện tại, ông đang chăn nuôi 15 con bò sữa (6 con đang thu hoạch sữa, 4 con hậu bị hay bò tơ, 2 con bò đực thịt và 3 con sinh sản). Ông Tài ký hợp đồng với Trạm sữa Vinamilk (Ngã 5, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri), giá dao động từ 11 – 14,5 ngàn đồng/kg (tùy thuộc chất lượng sản phẩm sữa). Chất lượng sữa bò nuôi đạt chuẩn bán được 14,5 ngàn đồng/kg. Trung bình 70 kg sữa/ngày, ông thu nhập hơn 1 triệu đồng.

Ông Tài sử dụng 3 công đất nhà trồng cỏ sữa và thuê 20 công đất trồng cỏ tây lông nuôi bò sữa. Ngoài ra, ông Tài bổ sung thêm thức ăn ủ ướp (cỏ, bắp, cám, men tiêu hóa…) với 1 kg/cữ, mua giá 185 ngàn đồng/bao (25 kg/bao) để tăng sữa cho bò cũng như thúc đẩy trọng lượng bò thịt. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ngãi Trần Quang Thân cho biết: Phước Ngãi có 6 hộ nuôi bò sữa, với hơn 100 con bò, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ông Phạm Tấn Tài là một trong những hộ nuôi bò sữa đầu tiên ở địa phương, nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài ra, ông còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội; hết lòng hỗ trợ những hộ nghèo, hộ khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò sữa, đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay và tham gia mô hình nuôi bò sữa để vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *